-->

Hàng xóm kiện vì xây nhà lấn đất, giải quyết như thế nào?

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai

Hỏi: Năm 2009 tôi có mua của ông T mảnh đất có diện tích 6x40m (ông này và vợ đứng tên trên sổ đỏ) nhưng do mẹ ông này (bà H) đứng ra trực tiếp bán vì đất là do bà cho vợ chồng ông T và vợ chồng này có nhờ bà bán hộ. Khi đo đạc có 2 vợ chồng tôi, bà H, con dâu cả bà H và 1 cán bộ địa chính huyện. Chúng tôi tiến hành đo tại 3 điểm lấy mốc là nhà bên phải vì bên trái là đất trống do con trai cả bà H sở hữu. Mốc 1 tại cổng hàng rào nhà bên phải, mốc 2 tại đường súc (phần lồi ra) của nhà bên phải, mốc 3 sát vách nhà bếp nhà bên phải sau đó đóng cọc và kéo dây 6m. Ngay trong thời gian đó tôi xây 1 căn nhà cấp 4 lùi vào tim đường là 12m có sự chứng kiến của 2 nhà 2 bên mà không có tranh chấp gì. Sau đó 2 năm bà H mất. Hiện nay tôi đang tiến hành xây nhà 3 tầng trên diện tích đất còn lại phía trước là 12x6m. Tôi cũng đo dựa trên mốc ban đầu được mua và xây được bức tường tầng trệt chuẩn bị xây tầng trên (Bề ngang phủ bì nhà mới tôi đang xây là 5.95m) thì con trai cả bà H có làm đơn kiện tôi lấn 10 cm tại đường súc nhà bên phải. Ông này cho rằng tôi phải xây sát tường nhà bên phải đồng nghĩa với việc đập đường súc nhà này thì mới đúng.Đề nghị Luật sư tư vấn, việc ông này kiện là đúng hay sai? Tôi phải giải quyết trường hợp tranh chấp này như thế nào? (Duy Bình - Nghệ An)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phạm Hồng Phúc - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản Công ty Luật TNHH Everest trả lời:

Theo Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì "Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai".

Để xác định việc con trai cả bà H nộp đơn kiện là đúng hay sai cần thực hiện theo các thủ tục mà pháp luật quy định và dựa trên quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Để tránh tốn kém tiền bạc và tiết kiệm thời gian, các bên nên tự thỏa thuận để giải quyết với nhau. Tuy nhiên nếu không thể tự giải quyết được có thể nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương.

Chúng tôi xin được tư vấn choanh (chị)trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Hòa giải tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 như sau:

"Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất".

- Khởi kiện

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013:"Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. 1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết".

Nếu bạn chọn Tòa án để giải quyết thì gửi đơn ra tòa án cấp huyện nơi có bất động sản tranh chấp căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 25, điểm a khoản 1 Điều 33 và điểm c khoản 1 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung như sau: “Tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai".

Điều 33. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

1. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây: a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này".

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: c) Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản".

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.