-->

Giao dịch với chi nhánh và văn phòng đại diện, cần lưu ý vấn đề gì?

Khi tham gia giao dịch và ký kết hợp đồng với chi nhánh, văn phòng đại diện, cần tham khảo về điều lệ, quy chế công ty của các doanh nghiệp thành lập để hiểu rõ hơn về thẩm quyền và hoạt động của đơn vị này.

Hỏi: Đề nghị Luật sư tư vấn, giao dịch với chi nhánhvăn phòng đại diện thì cần lưu ý vấn đề gì? (Vũ Hải Anh - Hà Nội)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:

Tất cả các doanh nghiệp đều có quyền thành lập chi nhánh và văn phòng đại diện. Chi nhánh và văn phòng đại diện đều là các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và phải mang tên của doanh nghiệp.

1. Đối với Chi nhánh:

- Hoạt động kinh doanh: Chi nhánh được thực hiện các hoạt động có mục đích sinh lời trong phạm vi những ngành, nghề mà doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, không phải bất cứ ngành, nghề nào được đăng ký bởi doanh nghiệp, chi nhánh cũng được phép hoạt động. Việc chi nhánh được thực hiện toàn bộ hay chỉ một phần chức năng là tùy theo sự ủy quyền của doanh nghiệp.

- Thẩm quyền đại diện: Ở đây cần phân biệt rõ thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và thẩm quyền của giám đốc chi nhánh. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quyền điều phối toàn bộ vấn đề liên quan đến chi nhánh, kể cả vấn đề đại diện. Tức là, bất cứ hoạt động kinh doanh nào chi nhánh muốn thực hiện cũng phải xin phép sự đồng ý từ phía doanh nghiệp, giám đốc chi nhánh không đương nhiên có thẩm quyền đại diện cho chi nhánh, mà quyền này chỉ phát sinh khi có sự ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Ngoài ra, bất cứ lúc nào, người đại diện của doanh nghiệp cũng có thể hủy bỏ sự ủy quyền nói trên.

- Về tài chính: Chi nhánh không độc lập về tài chính đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động của chi nhánh. Chi nhánh có thể hạch toán kế toán độc lập hoặc phụ thuộc vào doanh nghiệp.

2. Đối với Văn phòng đại diện:

- Hoạt động kinh doanh: Văn phòng đại diện không được thực hiện các hoạt động kinh doanh sinh lời nào khác. Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp theo uỷ quyền và bảo vệ các quyền và lợi ích đó. Tức là, văn phòng đại diện được lập ra với chức năng là văn phòng liên lạc; thực hiện hoạt động nghiên cứu, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thị trường và đối tác mới; văn phòng có thể tiến hành rà soát thị trường, phát hiện hành vị xâm phạm sở hữu trí tuệ của của công ty, hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp đối thủ; đại diện công ty khiếu kiện về sự vi phạm nói trên…

- Thẩm quyền đại diện: Đối với việc ký kết hợp đồng của văn phòng đại diện thì phải theo ủy quyền của doanh nghiệp và đóng dấu doanh nghiệp đó, văn phòng đại diện không có quyền tự nhân danh mình ký kết hợp đồng riêng. Doanh nghiệp chịu tất cả các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động của văn phòng đại diện.

- Về tài chính: Việc hạch toán của văn phòng đại diện là phụ thuộc vào doanh nghiệp.

Như vậy, trên thực tế, sự nhầm lẫn giữa chi nhánh và văn phòng đại diện vẫn hay xảy ra. Có hai điểm khác biệt chính được dùng để phân biệt hai hình thức này đó là: chi nhánh có thể thực hiện các hoạt động sinh lời, có thể được hạch toán kế toán độc lập với doanh nghiệp; còn văn phòng đại diện thì không được phép làm như vậy. Như vậy, sau khi điểm qua những nét cơ bản về văn phòng đại diện và chi nhánh cũng như thấy được sự khác nhau giữa chúng, điểm mà anh (chị ) cần lưu ý khi tiến hành giao dịch với hai hình thức này, đó chính là thẩm quyền giao kết hợp đồng.

Mục đích văn phòng đại diện này được thành lập là hỗ trợ cho việc kinh doanh của doanh nghiệp, do đó các tranh chấp cũng chủ yếu phát sinh từ điểm này. Văn phòng đại diện và chi nhánh của thương nhân nước ngoài không có tư cách pháp nhân, tức là các hình thức này không thể tự nhân danh mình tham gia vào các quan hệ dân sự và tự chịu trách nhiệm phát sinh từ các hoạt động của mình, cần nhấn mạnh rằng các hình thức này không độc lập về tài chính. Hợp đồng ký kết với các hình thức này như đã nêu ở trên là nhân danh thương nhân. Trong quá trình thảo luận và tiến hành ký kết hợp đồng với văn phòng đại diện, bên đối tác cần phải yêu cầu bên văn phòng này xuất trình giấy ủy quyền hợp pháp từ doanh nghiệp, thương nhân. Giấy ủy quyền này phải ghi rõ về nội dung ký kết. Phải chắc chắn rằng nội dung này liên quan trực tiếp đến hợp đồng đang được tiến hành ký kết

Đối với chi nhánh, những hợp đồng và giao dịch thuộc phạm vi kinh doanh được ủy quyền của doanh nghiệp thì chi nhánh có quyền ký kết dưới tên của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với các hợp đồng nằm ngoài phạm vi kinh doanh được ủy quyền, thì yêu cầu phải có giấy ủy quyền tương tự như với văn phòng đại diện.

Ngoài lưu ý quan trọng về thẩm quyền nêu trên khi tham gia giao dịch và ký kết hợp đồng với chi nhánh, văn phòng đại diện, cần tham khảo về điều lệ, quy chế công ty của các doanh nghiệp thành lập để hiểu rõ hơn về thẩm quyền và hoạt động của đơn vị này, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.