Doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH một thành viên, nên chọn hình thức nào?

Mỗi loại hình doanh nghiệp có đặc trưng riêng từ đó tạo nên những hạn chế hay lợi thế của doanh nghiệp về khả năng huy động vốn; chia sẻ rủi ro trong kinh doanh; tổ chức quản lý và chi phí hoạt động...

Doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có những ưu điểm và hạn chế khác nhau. Mỗi cá nhân, tổ chức khi thành lập doanh nghiệp cần phải nắm được ưu điểm và hạn chế này để có thể tận dụng được các ưu điểm của mỗi loại hình, đồng thời nắm được những hạn chế giảm thiểu các tác động của những hạn chế đó trong quá trình thành lập và điều hành doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Hoài Thương - Công ty Luật TNHH Everest- Tổng đài tư vấn (24/7):1900 6198

Sau đây là một số phân tích cụ thể về những ưu điểm và hạn chế để quý Độc giả tham khảo:

Doanh nghiệp tư nhân


Doanh nghiệp tư nhân là một trong những loại hình xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Doanh nghiệp tư nhân có những ưu điểm gì?

Nhiều nhà đầu tư sẵn lòng chấp nhận chế độ trách nhiệm vô hạn để làm ăn kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân. Ưu điểm nổi bật của loại hình doanh nghiệp này là thủ tục thành lập đơn giản; chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; vốn đầu tư; tự do lợi nhuận sử dụng sau thuế; chủ doanh nghiệp đóng thuế thu nhập cá nhân ngay trên thuế thu nhập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân có những nhược điểm gì?

Nhược điểm chính của loại hình doanh nghiệp này là chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trước pháp luật dù đang cho thuê doanh nghiệp hoặc thuê người làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp. Bên thuê lại doanh nghiệp và Giám đốc được thuê chỉ chịu trách nhiệm đối với các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng thuê. Do đó, chủ doanh nghiệp cần cân nhắc kĩ các điều khoản quyền và nghĩa vụ của đôi bên trong hợp đồng thuê Giám đốc quản lý hoặc cho thuê doanh nghiệp.

Xuất phát từ tính tự chịu trách nhiệm “vô hạn” mà ngay cả khi doanh nghiệp phá sản thì chủ doanh nghiệp vẫn phải trả các khoản nợ bằng toàn bộ tài sản cá nhân của mình. Tuy nhiên, đây cũng được xem là một lợi thế cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh, vay vốn hoạt động bởi bên cho vay tin tưởng rằng dù có phá sản thì nghĩa vụ trả nợ vẫn phải thực hiện.

Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, không có tài sản độc lập, bởi tài sản dùng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân cũng chính là tài sản của chủ doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân không tự nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập được, mà lệ thuộc và tư cách của cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên


Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là một loại hình doanh nghiệp, loại hình công ty có tư cách pháp nhân, không có quyền phát hành cổ phần, do một tổ chức hay một cá nhân làm chủ sở hữu và chỉ phải chịu trách nhiệm về mọi khoản nợ, nghĩa vụ tài sản của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có những ưu điểm gì?

Cơ cấu quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không quá phức tạp, nhà quản lý dễ dàng kiểm soát hoạt động kinh doanh của công ty. Tùy theo chủ công ty là cá nhân hay tổ chức mà cơ cấu tổ chức công ty có phần khác nhau. Đối với công ty có chủ sở hữu là cá nhân thì bao gồm Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Đối với công ty có chủ sở hữu là tổ chức thì bao gồm Chủ tịch công ty hoặc Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm sát viên.

Ở công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chủ sở hữu có toàn quyền quyết định đối với hoạt động kinh doanh của công ty nhưng chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho chủ sở hữu và đây là điểm hơn hẳn doanh nghiệp tư nhân. Vì thế, đây được xem là giải pháp kinh doanh an toàn đối với các doanh nghiệp có chủ sở hữu là một cá nhân hoặc một tổ chức.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có những nhược điểm gì?

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần để huy động vốn. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ có một thành viên duy nhất, nếu phát hành cổ phần sẽ làm tăng số lượng chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty không còn là người sở hữu duy nhất vốn điều lệ của công ty, lúc này loại hình công ty ban đầu sẽ bị thay đổi về bản chất.

Chủ sở hữu doanh nghiệp chỉ là một cá nhân hoặc tổ chức và theo quy định của pháp luật, thì chủ sở hữu không được quyền rút vốn ra khỏi công ty, khi doanh nghiệp muốn tăng hoặc giảm vốn điều lệ bằng cách chuyển nhượng vốn góp cho người khác hoặc tiếp nhận phần vốn của thành viên mới thì phải chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Do đó, có thể nói rằng, việc cố định vốn điều lệ cũng như hạn chế trong việc huy động vốn là nhược điểm của loại hình doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vẫn có thể phát hành các loại chứng khoán ví dụ như trái phiếu để huy động vốn theo quy định pháp luật, hoặc thông qua việc vay, mượn. Yếu tố huy động vốn cũng là một yếu tố quan trọng để các chủ thể quyết định việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào khi tiến hành kinh doanh. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dù không được phát hành cổ phần nhưng vẫn có lợi thế hơn so với doanh nghiệp tư nhân khi được phát hành các loại chứng khoán khác.

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp- Tổng đài tư vấn (24/7):1900 6198

Không loại hình doanh nghiệp nào là hoàn hảo, mỗi mô hình tổ chức kinh doanh đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, có vậy mới đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư. Về mặt lý luận, mặc dù doanh nghiệp tư nhân có chế độ rủi ro rất lớn cho chủ doanh nghiệp tư nhân. Nhưng bù lại chủ doanh nghiệp tư nhân lại có quyền năng rất lớn đối với doanh nghiệp của mình, bao gồm những quyền về tổ chức kinh doanh, tài chính, nhân sự...Trong khi đó ở công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì chủ sở hữu không có được khả năng linh hoạt như chủ doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy, mỗi loại hình doanh nghiệp có đặc trưng riêng từ đó tạo nên những hạn chế hay lợi thế của doanh nghiệp về khả năng huy động vốn; chia sẻ rủi ro trong kinh doanh; tổ chức quản lý và chi phí hoạt động...Do vậy tùy vào từng điều kiện cụ thể của cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn cho mình loại hình công ty phù hợp cho hoạt động kinh doanh của mình.


Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Hoài Thương - Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail:[email protected].