-->

Điều kiện, thủ tục hưởng bảo hiểm thai sản?

Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con; c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ...

Hỏi: Em làm công ty A đóng BHXH từ đầu tháng 11/2015 đến 02/2016, đóng được 04 tháng. Và làm công ty B, đóng BHXH từ đầu tháng 5/2016 đến 07/2016, đóng được 03 tháng. Tổng 2 công ty em đóng được 07 tháng. Em dự sinh tháng 19/11/2016. Do công ty có cam kết sau 1 năm mới được có thai nên em đã xin nghỉ từ 1/8/2016 vì lý do sức khỏe và bảo vệ thai nhi. Vậy cho em hỏi: Em có được nhận được bảo hiểm thai sản sau khi sinh hay không? (Vũ Thu Hà - Hà Nam)



>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Căn cứ Điều 15 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao độngngười sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.
Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động được quy định tại Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2012 như sau: Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực; Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
Như vậy, hợp đồng lao động trước hết là sự thỏa thuận của các bên, mà sự thỏa thuận này phải tự nguyện và không trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội. Cho đến nay, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề này. Bởi vậy, không thể đưa ra khẳng định quy định người lao động phải làm việc sau 1 năm mới được mang thai là vi phạm điều cấm của pháp luật.
Tuy nhiên, khoản 3, Điều 155, Bộ luật Lao động 2012 cũng quy định: “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.
Do đó kể cả trong trường hợp đã có sự thỏa thuận trước trong hợp đồng thì người sử dụng lao động cũng không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với lao động nữ vì lý do mang thai. Nếu công ty sa thải chị vì lý do mang thai, thì đã vi phạm pháp luật về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái phép.
Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
Điều kiện hưởng chế độ thai sản: “1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con; c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. 2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. 3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. 4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này” (Điều 31).
Theo như thông tin chị cung cấp, chị đã đóng bảo hiểm được 7 tháng trước khi sinh, trường hợp chị muốn chấm dứt hợp đồng lao động với công ty để bảo vì lý do sức khỏe được quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012: “Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động: 1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây: e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền”.
Căn cứ theo quy định trên, chị thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được pháp luật quy định, và chị đã đóng bảo hiểm trên 6 tháng, nên chị sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.
Do chị nghỉ việc tại công ty rồi mới làm chế độ thai sản nên trong trường hợp này, chị sẽ phải tự làm chế độ thai sản cho mình sau khi sinh con. Về hồ sơ hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 101 Luật bảo hiểm xã hội 2014: “1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm: a) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; b) Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết; c) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con; d) Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh; đ) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này”.
Về thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản thì được quy định tại Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cụ thể: “1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động. Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội. 2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. 3. Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội: a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động. 4. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Sau khi có đầy đủ hồ sơ như trên, chị mang ra BHXH nơi công ty cũ có đóng BHXH cho chị ở quận nào thì nộp hồ sơ tại bộ phận 1 cửa của BHXH tại quận đó. BHXH sẽ thụ lý hồ sơ cho chị và hoàn tất thủ tục hưởng chế độ thai sản cho chị.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.