[?] Bố mẹ tôi trước đây có một căn nhà tổng diện tích sử dụng là 49 m2 từ năm 1984. Trong quá trình ở từ năm 1984 đến nay gia đình tôi có sử dụng lấn thêm phần đất tiếp giáp phía sau và đã đóng thuế đất đây đủ từ năm 1993 cho tổng diện tích mặt bằng là 95 m2. Năm 1998 bố tôi mất không để lại di chúc (Bố mẹ tôi có 03 người con, ông bà nội ngoại đã mất, không có con nuôi, bố mẹ nuôi..). Hiện nay, các anh chị tôi đều đã có nhà riêng và ra ở riêng chỉ còn vợ chồng tôi sống cùng mẹ, căn nhà trên vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay mẹ tôi tuổi cũng đã cao, gia đình tôi đã họp bàn và cùng thống nhất tôi được quyền sở hữu toàn bộ căn nhà trên. Đề nghị Luật sư tư vấn, thủ tục phân chia di sản thừa kế là đất khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - Khách hàng Đặng Trường (Bắc Ninh).
Căn nhà thuộc sở hữu chung của bố mẹ bạn từ năm 1984 và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, tuy nhiên, tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ ghi nhận thông tin về: thời điểm sử dụng đất, diện tích đất và người sử dụng đất theo bản đồ đo đạc địa chính. Bạn có thể đề nghị Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp thông tin người sử dụng đất mà họ đã ghi nhận tại thời điểm lập bản đồ đo đạc địa chính.
Trường hợp ghi nhận người sử dụng đất chính xác là bố bạn, để được hưởng toàn bộ tài sản trên bạn có thể thực hiện theo 2 bước sau:
Vì bố bạn đã mất khi chưa làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không để lại di chúc, những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của bố bạn cần thỏa thuận về phân chia di sản thừa kế. Những người thừa kế theo thuộc hàng thừa kế thứ nhất được xác định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm: ”vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.
Như vậy, trước tiên những người thừa kế trên của bố bạn sẽ lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Trong đó ghi nhận nội dung, các thành viên khác trong gia đình từ chối nhận di sản để bạn được nhận thừa kế.
Do chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên Văn phòng công chứng sẽ không thực hiện công chứng văn bản này, bạn chỉ có thể nhờ người khác tham gia chứng kiến, hoặc đề nghị UBND cấp xã/ phường chứng thực các chữ ký trong văn bản là đúng. Tuy nhiên, văn bản trên vẫn có giá trị pháp lý và chính là tài liệu ghi nhận sự nhất trí chuyển quyền sử dụng đất của các thành viên khác trong gia đình cho bạn
Thứ hai, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất
Căn cứ khoản 2 Điều 100 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”.
Sau khi có Biên bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (chính là “giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan”), cần thực hiện thủ tục đề nghị UBND cấp xã/ phường nơi có bất động sản để xác nhận thửa đất trên không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch.
Như vậy, khi đã có các tài liệu lập được bên trên cùng giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất (có ghi tên bố bạn), bạn có thể đăng ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, điểm h khoản 4 Điều 95 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng”. Trường hợp bạn muốn bổ sung thêm tên vợ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn có thể thực hiện đăng ký biến động đất đai sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận.
Bình luận