-->

Công ty không đóng BHXH theo quy định, phải làm thế nào?

Đối với việc không đóng bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian 1 năm này,công ty có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP

Hỏi: Công ty em có 4 người thuộc dạng được Công ty gửi đi đào tạo từ 1/7/2013 đến 30/8/2013.Cho tới nay vẫn làm việc cho Công ty. Ký hợp đồng tháng 12/2013 thời hạn 1 năm. Cho đến nay chưa được ký lại hợp đồng.

Như vậy có được đảm bảo các quyền lợi khi chấm dứt hợp đồng hay không?

- Bắt đầu thử việc ngày 10/9/2013 đến khi ký hợp đồng tháng 12/2013 cho tới nay đều làm cả thứ 7, chủ nhật và chỉ được tính công lương 26 ngày (cho dù tháng đó làm thêm 29-30 hay 31 công), không có lương tăng ca.

- Hiện nay Công ty còn nợ lương tháng 4,5,6,7 chưa trả.

- Trong các cuộc họp có yêu cầu thành lập công đoàn nhằm đảm bảo lợi ích cho NLĐ tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa đc thành lập.

Như vậy em xin hỏi khi nghỉ việc có được đảm bảo các quyền lợi người NLĐ hay không?Chúng em nên chuẩn bị những thủ tục gì để lấy lại quyền lợi từ sai phạm của Công ty? (Nguyễn Mai Hương - Long An)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo như chị trình bày, thì công ty của chị đã vi phạm những quy định sau của bộ luật lao động 2012:

Thứ nhất, vi phạm quy định về việc không giao kết hợp đồng với trường hợp công việc lao động có thời hạn trên 3 tháng theo quy định tại điều 16 Bộ luật lao động 2012:

Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói”.

Hình thức xử phạt được quy định tại điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động..".

Thứ hai, đối với việc không đóng bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian 1 năm này,công ty có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này”.

Thứ ba, hành vi trả lương không đúng quy định công ty có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.

Thứ tư, về hành vi cản trở việc thành lập Công đoàn công ty có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 điều 24 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.

Do đó, trong trường hợp này, bạn có thể thu nhập tài liệu, chứng cứ về những hành vi sai phạm từ phía công ty như việc không có hợp đồng lao động, chậm chi trả lương, không trả lương làm thêm giờ, cản trở việc thành lập Công đoàn, nếu không có giấy tờ thì có thể lập biên bản tường trình và có sự làm chứng của những người lao động khác để:

- Làm đơn khiếu nại đến Ban Giám đốc công ty để đề nghị người lao động thực hiện đúng các quy định của Bộ luật lao động.

- Nếu Công ty không giải quyết những nội dung trên, bạn và những người lao động kia có thể làm đơn khiếu nại đến Thanh tra Phòng lao động thương binh xã hội hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân nơi công ty đang đặt trụ sở chính.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.