Chị có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện sau khi nghỉ việc
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo quy định tại điều 45 Luật Viên chức 2010 quy định về chế độ thôi việc như sau:
“Điều 45. Chế độ thôi việc
1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Bị buộc thôi việc;
b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;
c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này”.
Nếu chị xin nghỉ việc, và việc xin nghỉ việc đúng với quy định tại khoản 4, 5, 6 Điều 29 Luật Viên chức 2010 thì chị sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc, chế độ bảo hiểm thất nghiệp và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
“Điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;
c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;
e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này”.
- Thứ nhất, về khoản trợ cấp thôi việc.
“Điều 48. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”.
Do chị không cung cấp đầy đủ thông tin, nên chị đối chiếu với trường hợp của chị để tính trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên, chị cần chú ý tới “ thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc” để tính chính xác khoản trợ cấp này.
Thời gian thực tế người lao động làm cho người sử dụng lao động như sau:
“a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội”.
- Thứ hai, về chế độ bảo hiểm thất nghiệp
“Điều 81. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp;
2. Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;
3. Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
Chị đóng bảo hiểm xã hội từ 1/11/2011 tới nay, vì vậy, chị đủ điều kiện để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, khoản trợ cấp này chị sẽ không được hưởng nếu chị không tìm kiếm việc làm sau khi thôi việc. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vẫn được bảo lưu để được hưởng khi chị hoàn thiện hồ sơ và tiếp tục tìm kiếm việc làm nhưng không tìm được hoặc để đóng tiếp khi chị tiếp tục làm việc ở nơi làm việc mới.
- Thứ ba, về thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
“Điều 57. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội”.
Tiếp theo, bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định như sau:
“Điều 69. Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí
Bảo hiểm xã hội tự nguyện áp dụng đối với người lao động quy định tại khoản 5 Điều 2 của Luật này”.
Khoản 5 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội quy định các trường hợp sau:
“5. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này”.
Như vậy, nếu chị trong độ tuổi lao động, và đã xin nghỉ việc thì chị có quyền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đợi khi đủ điều kiện hưởng chế độ.
Trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
* Hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (mẫu số 01-TN)
- Bản sao giấy khai sinh
- Sổ BHXH;
- Bản quá trình đóng BHXH (do cơ quan BHXH nơi đi cấp);
- CMND để đối chiếu với sổ BHXH.
Sau khi hoàn tất hồ sơ, chị nộp tại cơ quan BHXH tại địa phương. Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người tham gia BHXH tự nguyện, tổ chức BHXH có trách nhiệm cấp Sổ BHXH; trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận