-->

Cổ phiếu ưu đãi, một số điểm người sở hữu cần lưu ý

Luật sư tư vấn về cổ phiếu ưu đãi, đặc điểm của cổ phiếu ưu đãi, các loại cổ phiếu ưu đãi, quyền của cổ đông khi sở hữu cổ phiếu ưu đãi và những điểm cần lưu ý khác về cổ phiếu ưu đãi.

Hiểu thế nào về ý nghĩa của từ "ưu đãi" trong "cổ phiếu ưu đãi"? Cổ phiếu ưu đãi có đặc điểm gì khác so với cổ phiếu thông thường? Người sở hữu cổ phiếu ưu đãi có những quyền lợi gì và có mấy loại cổ phiếu ưu đãi? Trong phạm vi bài viết, chúng tôi phân tích một số điểm cần lưu ý này.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, những vấn đề chung về cổ phiếu ưu đãi.

Cổ phiếu ưu đãi là một loại chứng khoán vừa có những đặc điểm giống cổ phiếu thường, vừa giống trái phiếu. Cũng giống như cổ phiếu thường, người mua cổ phiếu ưu đãi được xem là cổ đông trong công ty. Tuy nhiên, khác với cổ phiếu thông thường, có thể cổ phiếu ưu đãi trả một lượng cổ tức nhất định cho cổ đông nắm giữ (thường sẽ có lợi tức cao hơn so với trái phiếu), có thể cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi được ưu tiên hơn cổ đông thường khi biểu quyết.... Hoặc là cổ đông nắm giữ cổ phiếu có thể hưởng quyền ưu đãi biểu quyết; Hoặc là, lợi ích khi sở hữu cổ phiếu ưu đãi hoàn lại, đó là nhà đầu tư (cổ đông) có khả năng thu hồi phần tài sản của công ty lớn hơn cổ đông thường. Cổ đông nắm cổ phiếu ưu đãi luôn được nhận cổ tức đầu tiên và khi công ty bị phá sản thì họ cũng là những người được công ty trả trước phần tài sản còn lại, sau đó mới đến cổ đông thường. Tuy nhiên, cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi (gọi là cổ đông ưu đãi) chỉ có thể được ưu đãi một trong các vấn đề: ưu đãi cổ tức, ưu đãi biểu quyết, ưu đãi hoàn lại, mà không thể hưởng đồng thời nhiều "ưu đãi".

Thực tế cho thấy, cổ phiếu ưu đãi
một số đặc điểm nổi bật như sau:

Một là, việc phát hành cổ phiếu ưu đãi thường đem lại lợi ích cho tổ chức phát hành do quyền giám sát công ty chỉ thuộc về cổ đông phổ thông hiện hữu và việc phát hành thêm cổ phiếu ưu đãi không phát sinh thêm quyền biểu quyết;

Hai là, việc phát hành cổ phiếu phổ thông sẽ không dễ dàng khi thị trường chứng khoán suy thoái. Khi đó, cổ phiếu ưu đãi hoàn lại có thể được sử dụng để tài trợ cho doanh nghiệp cho đến khi thị trường hồi phục tạo điều kiện để có thể huy động vốn bằng các hình thức khác;

Ba là, cổ phiếu ưu đãi có thể được phát hành trong một số trường hợp như do có lỗ lũy kế, công ty không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi tổ chức phát hành không được hưởng lợi từ thuế do giảm trừ lãi vay, hình thức phát hành này có thể rẻ hơn (ví dụ trả cổ tức 09%/năm đối với cổ phiếu ưu đãi thay vì trả 11-13%/năm đối với các khoản vay).

Bốn là, cổ phiếu phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phiếu ưu đãi, trong khi cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông theo quyết định của đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).

Thứ hai, các loại cổ phiếu ưu đãi theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi bao gồm các loại:

- Cổ phần ưu đãi biểu quyết: là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có các quyền sau đây: (a) Biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ; (b) Các quyền khác như cổ đông phổ thông; (c) Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.

Tuy nhiên, chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết và ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập sẽ được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

- Cổ phần ưu đãi cổ tức: là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.

Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có các quyền sau: (a) Nhận cổ tức với mức theo quy định; (b) Được nhận lại một phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần góp vốn vào công ty, sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản; (c) Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ quyền biểu quyết, quyền dự họp ĐHĐCĐ, quyền đề cử người vào HĐQT và Ban kiểm soát.

- Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có các quyền khác như cổ đông phổ thông. Tuy nhiên, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp ĐHĐCĐ, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

- Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.

Lưu ý: Mặc dù loại cổ phần ưu đãi và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 nhưng hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định và hướng dẫn cụ thể về việc phát hành và giao dịch cổ phiếu ưu đãi (về điều kiện phát hành, phương thức phát hành, trình tự thủ tục nộp hồ sơ và công bố thông tin)

Thứ ba, một số quyền của cổ đông khi sở hữu cổ phiếu ưu đãi cần lưu ý.

- Quyền của cổ đông ưu đãi biểu quyết: (i) Biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ; (ii) Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ việc chuyển nhượng cổ phiếu đó cho người khác.

Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 (ba) năm, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn đó, cổ phiếu ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông và họ sẽ có những quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông.

- Quyền của cổ đông ưu đãi cổ tức: (i) Nhận cổ tức với mức theo quy định; (ii) Được nhận lại một phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phiếu góp vốn vào công ty, sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phiếu ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản; (iii) Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ quyền biểu quyết, dự họp ĐHCĐ, đề cử người vào HĐQT và Ban kiểm soát.

- Quyền của cổ đông ưu đãi hoàn lại: Cổ đông sở hữu cổ phiếu ưu đãi hoàn lại có các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ quyền biểu quyết, dự họp ĐHCĐ, đề cử người vào HĐQT và Ban kiểm soát.

Bài viết có sử dụng thông tin trong nội dung bài viết "Huy động vốn bằng cổ phiếu ưu đãi: Doanh nghiệp cần được hướng dẫn cụ thể" của Tạp chí Tài chính (http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/chung-khoan/huy-dong-von-bang-co-phieu-uu-dai-doanh-nghiep-can-duoc-huong-dan-cu-the-89367.html)

Luật gia Nguyễn Bích Phượng - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi những ý kiến này có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].