Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Hỏi: Tôi vào làm việc tại công ty N từ tháng 03 năm 2015, đến tháng 11/2015 thì ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1/11/2015 đến 30/11/2016 kèm phụ lục hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động có các chi tiết sau: Tổng lương + phụ cấp = 4,400,000, trong đó bao gồm: Lương cơ bản = 3,350,000 đồng; Phụ cấp trách nhiệm + phụ cấp đi lại + phụ cấp công việc mỗi loại 350,000 đồng. Nhưng đến ngày 22/02/2016, công ty ra quyết định như sau: lương cơ bản và phụ cấp : 5 triệu/tháng, trong đó: Lương cơ bản: không ghi; Phụ cấp: không ghi; Tương ứng với doanh số 50,000,000 đồng/tháng, mức thưởng : đạt từ 71% đến 80% thì được thưởng 5000 đồng/thùng nước ngọt, đạt từ 80% đến 90% thì được 6000 đồng/thùng, đạt 90% trở lên thì được 8000 đồng/thùng, đạt 100% doanh số trong tháng sẽ được xét thưởng A,B,C; Chế tài: đạt doanh số dưới 70% sẽ căn cứ theo tỷ lệ lương cơ bản và phụ cấp bằng thực lãnh (ví dụ: đạt 70% sẽ là: mức lương * 70% = thực lãnh), họ vịn vào quyết định này ngang nhiên trừ vào tiền lương cơ bản và những khoản phụ cấp cố định của tôi rất là phi lý. Cụ thể: Lương Tháng 3/2016 họ đóng BHXH, BHYT, BHTN, phí công đoàn trên mức lương 4,4 triệu. 4,4 triệu * 11,5% (phần NLĐ chịu) = 506,000 đồng, như vậy số tiền lương của tôi còn lại phải là: 3,894,000 đồng (4,400,000 - 506,000), thế mà họ chỉ trả cho tôi 3,008,704 đồng. Họ chiếm đoạt của tôi 885,296 đồng = 3,894,000 - 3,008,704 với lý do tôi không đạt doanh số theo cái quyết định trên và rồi lương tháng 04/2016 của tôi họ cũng trừ như là tháng 03/2016. Tôi thiết nghĩ họ sau khi đóng Bảo hiểm cho tôi trên mức lương 4,4 triệu thì số tiền còn lại họ phải trả cho tôi chứ họ không có quyền trừ vào tiền lương cơ bản và những khoản phụ cấp cố định hàng tháng của tôi vì HĐLĐ của tôi vẫn còn hiệu lực đến tháng 11/2016. Đề nghị Luật sư tư vấn, như vậy là đúng luật lao động chưa? Và nếu tôi kiện họ ra tòa thì tôi có gặp bất lợi không? (Lương Thanh Huyền - Hải Dương)
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Nguyễn Minh Anh - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2012 về sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động quy định:
“1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. 2. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. 3. Trong trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết”.
Theo đó, việc sửa đổi hợp đồng phải được sự đồng thuận của cả hai bên người sử dụng lao động và người lao động. Như vậy, nếu thời điểm công ty ra thông báo thay đổi cách tính lương hai bên có ký lại hợp đồng (hoặc phụ lục hợp đồng) hay bản thân anh (chị) có xác nhận dưới bất kỳ hình thức nào thể hiện anh (chị) đồng ý với sự thay đổi trong cách tính lương mà công ty đưa ra, thì việc công ty áp dụng quy chế tính lương thay đổi là có căn cứ và anh (chị) không nên kiện. Ngược lại, nếu việc thay đổi quy chế tính lương chưa có sự đồng ý của anh (chị) thì anh (chị) có căn cứ để khởi kiện yêu cầu công ty thực hiện nghĩa vụ trả lương theo đúng hợp đồng lao động.
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận