Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình
Hỏi: Cha mẹ tôi cưới nhau 1 thời gian tạo ra 1 căn nhà và có 8 người con. Năm 1995, cha và mẹ tôi có lập di chúc chia tài sản cho các con là căn nhà trên. Nội dung là sau khi cha tôi qua đời thì mẹ tôi bán căn nhà trên ưu tiên một phần cho mẹ tôi một phần mua căn nhà khác để ở và thờ cúng. Còn lại chia đều cho 10 phần, 8 phần cho các người con, 1 phần cho người mẹ,1 phần để lo hậu sự. Đến năm 1998, Cha tôi mất. Năm 2011 mẹ tôi có làm lại giấy tờ nhà khai tử Cha tôi mất cũng có tên mẹ tôi trên giấy tờ nhà. Còn giấy tờ trước tôi không biết ai đứng tên. Cho đến nay năm 2015 mẹ tôi muốn bán căn nhà và nói theo luật pháp mới của mẹ tôi 1 nữa và 1 nữa còn lại của cha tôi. Bây giờ mẹ tôi muốn chia số tài sản đó cho 2 người con út. Và tự ý muốn sửa di chúc.Tôi muốn xin luật sư tư vấn, mẹ tôi có thể đơn phương sửa lại di chúc hay không. Và thời gian hiệu lực của bản di chúc là bao lâu. Trong bản di chúc đều có chữ ký của tất cả những thành viên trong gia đình. (Thành Hoàng - Ninh Bình)
Luật gia Nguyễn Văn Nam - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
-Thứ nhất là về việc mẹ bạn đơn phương sửa di chúc:
Điều 663Bộ luật dân sự 2005 quy định về Di chúc chung của vợ, chồng:
“Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung.”
Điều 664Bộ luật dân sự 2005 quy định về Sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung của vợ, chồng:
“1. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.
2. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.”
Căn cứ vào quy định trên, do bố bạn đã mất nên mẹ của bạn có thể đơn phương sửa lại di chúc nhưng chỉ được sửa đổi di chúc liên quan đến phần tài sản của mẹ bạn mà thôi.
-Thứ hai là về thời gian hết hiệu lực của di chúc:
Điều 668Bộ luật dân sự 2005 quy định về Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng:
“Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.”
Điều 667Bộ luật dân sự 2005 quy định về Hiệu lực pháp luật của di chúc:
“1. Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực pháp luật.
3. Di chúc không có hiệu lực pháp luật, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật.
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật.”
Theo đó, di chúc của bố mẹ bạn có hiệu lực kể từ thời điểm mẹ bạn chết (do bố bạn đã qua đời trước). Và di chúc bị chấm dứt khi rơi vào các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 667; chứ pháp luật không có quy định ràng buộc đối với hiệu lực của di chúc.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận