-->

Có được đòi chia thừa kế, khi đã từ chối nhận di sản thừa kế?

Trường hợp đã từ chối nhận di sản và đồng ý cho người khác thừa kế di sản tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản. Trong trường hợp, từ chối bằng miệng về nguyên tắc, người đó vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế.

Khách hàng Nguyễn Hằng (Thái Nguyên) đề nghị luật sư tư vấn, trường hợp đã từ chối nhận di sản thừa kếđòi chia thừa kế lại được không?

Nội dung yêu cầu của khách hàng tóm tắt như: Tôi ở với bố sau khi bố mẹ chia tay, được thừa kế một căn nhà, vậy anh tôi có quyền đòi hưởng một phần tài sản này không? Sau ly hôn, bố sống cùng tôi tại căn nhà tập thể ông được phân. Bố cho tôi căn nhà này và sau khi ông mất tôi đã xây lại khang trang, đón mẹ về phụng dưỡng. Cuối năm 2000, tôi bán ngôi nhà, có gọi điện thoại cho vợ chồng anh trai đang sống ở xa xin ý kiến. Anh chị thống nhất để tôi được hưởng thừa kế. Sau đó tôi đã bán căn nhà này, mua mảnh đất khác và hiện ở đây.

Năm 2016, anh trai cùng gia đình về quê, vì kinh tế gia đình anh chị khó khăn nên tôi đã tách riêng hộ khẩu cho mẹ, anh trai và con anh thành một hộ, địa chỉ ở là ngôi nhà của tôi. Nay anh chị tôi có ý muốn đòi chia nhà theo thừa kế. Xin hỏi Luật sư, anh chị của tôi có quyền yêu cầu như vậy không?

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, về việc nhập hộ khẩu chung có được hưởng di sản thừa kế không?

Theo quy định tại Điều 24 Luật Cư trú năm 2006: "Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân”.

Trong trường hợp này, chị tự mua đất, xây nhà và làm sổ đỏ nên chị là chủ sở hữu hợp pháp của căn nhà hiện tại. Dù chị tách hộ khẩu cho mẹ và đồng ý cho anh chị, cháu nhập vào hộ khẩu của mẹ thì họ vẫn không có quyền đòi thừa kế đối với căn nhà chị đang sở hữu.

Thứ hai, tài sản riêng của bố cho riêng em, anh trai có quyền đòi chia thừa kế không?

Một, trường hợp bố mất để lại di chúc

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, sau khi ly hôn, tài sản mà mỗi bên vợ hoặc chồng có được là tài sản riêng của người đó. Do vậy, căn nhà tập thể do cơ quan bố chị phân cho là tài sản riêng của ông.

Khi bố mất, nếu có di chúc để lại căn nhà tập thể đó cho chị thì chị có quyền hưởng thừa kế.

Hai, trường hợp bố mất không để lại di chúc

Điều 620 và Điều 651, Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

Người thừa kế theo pháp luật

"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản" (Điều 651).

Từ chối nhận di sản

"1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản" (Điều 620).

Thứ tự ưu tiên thanh toán

"Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây: 1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; 2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu; 3. Chi phí cho việc bảo quản di sản; 4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; 5. Tiền công lao động; 6. Tiền bồi thường thiệt hại; 7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước; 8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân; 9. Tiền phạt; 10. Các chi phí khác" (Điều 658).

Như vậy theo quy định của pháp luật, nếu bố mất không để lại di chúc, di sản để lại sẽ được chia đều cho chị và anh trai. Mẹ chị đã ly hôn nên không có quyền được hưởng di sản thừa kế.

Dù anh trai chị đã từ chối nhận di sản và đồng ý cho chị thừa kế căn nhà này, tuy nhiên, theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015, việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản. Trong trường hợp này, chị và anh trai chỉ thỏa thuận bằng miệng nên về nguyên tắc, anh ấy vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế.

Nếu anh trai đòi lại phần thừa kế, chị vẫn phải thanh toán bằng một nửa giá trị căn nhà tập thể bố để lại, sau khi trừ đi các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được quy định tại Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm: chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng còn thiếu; chi phí cho việc bảo quản di sản; tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; tiền công lao động; tiền bồi thường thiệt hại; thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước; các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân; tiền phạt; các chi phí khác.

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng nhóm tư vấn trực tuyến - Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected]
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.