-->

Chuyển nhượng cổ phần của cổ đông là người nước ngoài, có gì khác?

Thủ tục chuyển nhượng, tặng, bán cổ phần và trả cổ tức cho cổ đông nước ngoài được thực hiện như bình thường như cổ đông là người Việt Nam.

Hỏi: Chúng tôi là Công ty cổ phần (chưa niêm yết). Trong danh sách cổ đông của Công ty có tên một cổ đông người nước ngoài (Quốc tịch Mỹ) sở hữu 16.000 trên tổng số 12.500.000 cổ phần của Công ty. Cổ đông này trong 03 năm gần đây chưa nhận tiền cổ tức của Công ty (do một số trục trặc mà Công ty không liên hệ đươc với cổ đông, những năm trước cổ đông vẫn nhận cổ tức bình thường nhưng không phải nhận trực tiếp mà qua một người bạn tại Việt Nam). Gần đây, khi Công ty tạm ứng cổ tức năm 2015, thì chúng tôi mới liên hệ được với cổ đông này.

Cổ đông này cũng đã thông báo cho Công ty là Sổ chứng nhận sở hữu cổ phần của mình bị cháy, xin cấp lại Sổ chứng nhận, đồng thời đang có ý định chuyển nhượng lại cổ phần của mình cho một người Việt Nam. Tôi đã kiểm tra tài liệu, hồ sơ của Công ty và phát hiện ra không có chứng từ lưu giữ về việc Cổ đông này góp vốn mua cổ phần của Công ty. Tôi đã yêu cầu cổ đông cung cấp giấy tờ chuyển nhượng, mua bán cổ phần để xác minh, tuy nhiên cổ đông này nói rằng 16.000 cổ phần trên không phải do ông ấy tự mua mà được tặng lại và giấy tờ cũng đã bị thất lạc. Tôi muốn Luật sư tư vấn giúp những vấn đề sau

Thứ nhất, thủ tục để cấp lại sổ cho cổ đông này;

Thứ hai, cổ đông không có giấy tờ chứng minh mình đã mua/được tặng cổ phần, nhưng trên danh sách theo dõi của công ty có tên cổ đông này, vậy Công ty có phải thực hiện trả cổ tức cho cổ đông này hay không;

Thứ ba, việc Công ty trong 03 năm qua chưa trả cổ tức cho cổ đông có bị xem là vi phạm pháp luật không;

Thứ tư, hiện nay, các giấy tờ liên quan tới việc chuyển nhượng của cổ đông này đã bị thất lạc (cả Công ty và cả cổ đông đều làm thất lạc giấy tờ), vậy sẽ phải xử lý ra sao?

Thứ năm, thủ tục chuyển nhượng, tặng, bán cổ phần và trả cổ tức cho cổ đông nước ngoài có điểm gì cần lưu ý so với cổ đông Việt Nam? (Hoàng Hiệp - Hà Nội)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Hà Thị Phương - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, về thủ tục cấp lại Sổ chứng nhận cổ đông.

Theo khoản 3 Điều120 Luật doanh nghiệp năm 2014 (Luật Doanh nghiệp) về cổ phiếu:

3. Trường hợp cổ phiếu bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng dưới hình thức khác thì cổ đông được công ty cấp lại cổ phiếu theo đề nghị của cổ đông đó.

Đề nghị của cổ đông phải có các nội dung sau đây: "a) Cổ phiếu đã bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng dưới hình thức khác; trường hợp bị mất thì phải cam đoan rằng đã tiến hành tìm kiếm hết mức và nếu tìm lại được sẽ đem trả công ty để tiêu hủy;b) Chịu trách nhiệm về những tranh chấp phát sinh từ việc cấp lại cổ phiếu mới.

Đối với cổ phiếu có tổng mệnh giá trên mười triệu Đồng Việt Nam, trước khi tiếp nhận đề nghị cấp cổ phiếu mới, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể yêu cầu chủ sở hữu cổ phiếu đăng thông báo về việc cổ phiếu bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng dưới hình thức khác và sau 15 ngày, kể từ ngày đăng thông báo sẽ đề nghị công ty cấp cổ phiếu mới."

Thứ hai, về việc trả cổ tức.

Điều 132 Luật doanh nghiệp quy định về việc trả cổ tức:

"1. Cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo các điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi.

2. Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

3. Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty. Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và có thể được chi trả bằng séc, chuyển khoản hoặc lệnh trả tiền gửi bằng bưu điện đến địa chỉ thường trú hoặc địa chỉ liên lạc của cổ đông".

Căn cứ theo quy định trên công ty có thể tri trả cổ tứccho cổ đông theo Điều lệ công ty, như vậy, nếu Điều lệ không có quy định nào hạn chế về mặt thời gian hay thời hạn nhận cổ tức không được quá ba năm thì việc công ty trả cổ tức cho cổ đông như vậy là không trái pháp luật.

Thứ ba, trường hợp công ty và cổ đông mất sổ chứng nhận.

Do cả công ty và cổ đông đều không có giấy tờ liên quan về sổ chứng nhận cổ đông nên công ty thực hiện việc cấp mới cho cổ đông, nếu cần có thể yêu cầu cổ đông khai báo các thông tin liên quan để lập sổ chứng nhận, trong đó, sổ chứng nhận cổ đông bao gồm các nội dung sau:a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;b) Số lượng cổ phần và loại cổ phần;c) Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu;d) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức;đ) Tóm tắt về thủ tục chuyển nhượng cổ phần;e) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật và dấu của công ty (nếu có);g) Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty và ngày phát hành cổ phiếu;h) Các nội dung khác theo quy định tại các Điều 116, 117 và 118 của Luật này đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.

Thứ tư, về thủ tục chuyển nhượng, tặng, bán cổ phần và trả cổ tức cho cổ đông nước ngoài được thực hiện như bình thường như cổ đông là người Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Namlà thành viên có quy định khác.

Thủ tục chuyển nhượng cổ phần (đối với cổ phần phổ thông) như sau:

Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

- Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

- Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông.

- Tiến hành đăng ký cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên với Cơ quan đăng ký kinh doanh (nếu có).

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.