Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân trong nước

Chủ sở hữu nhà ở được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nếu thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở và có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở.

Hỏi: Gia đình tôi muốn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với căn nhà xây từ năm 1996. Đề nghị chuyên mục tư vấn cá nhân, hộ gia đình sở hữu nhà ở tại Việt Nam để được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì phải đáp ứng những điều kiện nào (Hoàng Oanh-Hà Nam).

c
>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thạc sĩ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 8 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19.10.2009 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, thì chủ sở hữu nhà ở được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nếu thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở và có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở. Đối với cá nhân, hộ gia đình trong nước thì giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở là một trong các loại giấy tờ sau:

- Giấy phép xây dựng nhà ở đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 05.07.1994 của Chính phủ ngày 05.07.1994;

- Giấy tờ về giao hoặc tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;

- Giấy tờ về sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ mà nhà đất đó không thuộc diện Nhà nước xác lập sở hữu toàn dân theo quy định tại Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26.11.2003 của Quốc hội khóa XI, Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02.04.2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

- Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc đổi hoặc nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhà ở do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật kể từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành thì phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định tại Điều 93 của Luật Nhà ở. Trường hợp nhà ở do mua của doanh nghiệp đầu tư xây dựng để bán thì phải có hợp đồng mua bán nhà ở do hai bên ký kết; trường hợp mua nhà kể từ ngày 01.07.2006, thì ngoài hợp đồng mua bán nhà ở, bên bán nhà ở còn phải có một trong các giấy tờ về dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán;

- Bản án hoặc quyết định của TAND hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp đặc biệt:

- Người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có một trong năm trong những giấy tờ quy định ở phần trên, nhưng giấy tờ đó ghi tên người khác thì phải có một trong các giấy tờ về nhận chuyển nhượng nhà ở trước ngày 01.07.2006 có chữ ký của các bên và phải được UBND cấp xã xác nhận; trường hợp nhà ở nhận chuyển nhượng trước ngày 01.07.2006 mà không có giấy tờ về việc đã nhận chuyển nhượng nhà ở có chữ ký của các bên thì phải được UBND cấp xã xác nhận về chuyển nhượng;

- Cá nhân trong nước không có một trong những giấy tờ quy định nêu ở phần trên thì phải có giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở đã được xây dựng trước ngày 01.07.2006, nhà ở không có tranh chấp, được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch; trường hợp nhà ở xây dựng từ ngày 01.07.2006 thì phải có giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng, không có tranh chấp và đáp ứng điều kiện về quy hoạch.
Nếu đáp ứng một trong những điều kiện nêu trên, ông (bà) có thể làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định pháp luật.

Theo Báo Lao động, ngày 30.05.2012

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.