-->

Cho người lao động thôi việc vì lý do tái cơ cấu, phải tuân thủ quy định báo trước

Vì thay đổi cơ cấu, công nghệ, người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động nghỉ việc, người sử dụng lao động vẫn có trách nhiệm báo trước cho người lao động theo quy định của khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012.

Hỏi: Công ty vừa triệu tập cuộc họp đột xuất và thông báo: Kể từ ngày hôm nay, Công ty thực hiện tái cơ cấu, giải thể Phòng kinh doanh do hoạt động không hiệu quả. Đồng thời, Công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với toàn bộ nhân viên của Phòng kinh doanh. Nhân viên có 10 ngày để bàn giao công việc. Trước đó, chúng tôi không nhận được bất cứ thông tin nào về việc công ty sẽ tái cơ cấu, hay cắt, giảm nhân sự. Đề nghị luật sư tư vấn, thông báo chấm dứt HĐLĐ của công ty với Chúng tôi có vi phạm về thời hạn báo trước hay không? (Lê Thảo - Hà Nội)
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Tùng Hoa - Phòng Dân sự và Thương mại của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Chúng tôi trích dẫn một số quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 có liên quan tới thắc mắc của anh (chị), như sau:

Các trường hợp chấm dứt HĐLĐ: “Người sử dụng lao động (NSDLĐ) đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; NSDLĐ cho người lao động (NLĐ) thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã” (khoản 10 Điều 36).

"NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong những trường hợp: “c) Do ... những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc” (điểm c khoản 1 Điều 38).

“1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều NLĐ, thì NSDLĐ có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại NLĐ để tiếp tục sử dụng.Trong trường hợp NSDLĐ không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho NLĐ thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này” (khoản 1 Điều 44).

Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ phải báo cho NLĐ biết trước: “(a) Ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; (b) Ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn; (c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng” (Điều 38).

Như vậy, nếu vì thay đổi cơ cấu, công nghệ và NSDLĐ không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho NLĐ nghỉ việc, thì NSDLĐ vẫn có trách nhiệm báo trước cho NLĐ theo quy định của khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012. Trường hợp không thực hiện đúng quy định báo trước bị coi là đơn phương chấm dứt HĐLD trái luật.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.