Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của sáu tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật
Hỏi: Tôi làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn cho một Cty từ ngày 22.4.2012. Mức lương đóng BHTN là 4.000.000 đồng/tháng. Vì lý do cá nhân, tôi xin chấm dứt HĐLĐ từ ngày 17.7.2013. Đến ngày 26.8.2013, tôi ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm với một Cty khác. Đề nghị luật sư cho biết: Trong thời gian từ 17.7.2013 đến ngày 26.8.2013 tôi có được hưởng BHTN không?Thời gian hưởng và mức hưởng của tôi được tính như thế nào? (Trần Ngọc Bình)
Tại Điều 2 Nghị định 100/2012/NĐ-CP ngày 21.11.2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12.12.2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN, quy định điều kiện được hưởng BHTN: "1. Đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật; 2. Đã đăng ký thất nghiệp với cơ quan LĐ khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc; 3. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày đăng ký với cơ quan LĐ".
Khoản 3 Điều 3 Thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25.10.2010 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12.12.2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN (Thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH), quy định: “Thời điểm tính hưởng các chế độ BHTN tính từ ngày thứ mười sáu và tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định”.
Theo điểm a khoản 2 điều 3 Thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định: “Ba tháng, nếu có từ đủ mười hai tháng đến dưới ba mươi sáu tháng đóng BHTN”.
Căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên, trường hợp của ông đã đóng BHTN đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ. Do thời gian từ khi chấm dứt HĐLĐ tới khi ông tìm được việc làm mới là 40 ngày (từ ngày 17.7 đến ngày 26.8), nên nếu ông đăng ký thất nghiệp với cơ quan LĐ ngay sau khi chấm dứt HĐLĐ, thì sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký, do chưa tìm được việc làm mới, ông sẽ được hưởng BHTN. Thời gian hưởng chế độ BHTN của ông là 3 tháng, được tính từ ngày làm việc thứ 16 kể từ ngày ông đăng ký thất nghiệp với cơ quan LĐ theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 1 điều 3 Thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH: “Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của sáu tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật”.
Dựa vào quy định trên, mức trợ cấp thất nghiệp mà ông được hưởng sẽ bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của sáu tháng liền kề trước khi ông chấm dứt HĐLĐ, được tính là: 60% x 4.000.000 (đồng/tháng) = 2.400.000 (đồng/tháng).
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận