Điều 44 Bộ luật Lao động 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.
Hỏi: Chị em đang là nhân viên kỹ thuật của một công ty A, hợp đồng lao động ký 1 năm có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2016, gần đây công ty mở ra quá nhiều chi nhánh dẫn đến thất thoát tài chính nên ban giám độc muốn cắt giảm nhân sự và chị ấy nằm trong danh sách đó. Giám đốc công ty chưa đưa ra quyết định cho thôi việc mà nhắn tin khuyên nhân viên nên gửi đơn xin nghỉ việc và không có hỗ trợ gì thêm, họ nói nếu công ty cho thôi việc thì họ chỉ báo trước 30 ngày là được nhưng họ không muốn làm vậy. Công ty làm vậy có hợp pháp không? Nếu không hợp pháp thì họ sẽ phải bồi thường như thế nào cho người lao động? (Minh Trang - Thái Bình)Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Phạm Thị Mai Phương - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Điều 44 Bộ luật Lao động 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế như sau:
“1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.2. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.3. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.”
Theo đó, trường hợp công ty cho người lao động nghỉ việc vì lý do không thể bố trí sắp xếp được công việc cho người lao động khi công ty thay đổi cơ cấu hoặc vì lý do kinh tế thì công ty phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Cách tính trợ cấp mất việc làm được quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động 2012, cụ thể là:
“1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm”.
Như vậy, nếu chị của bạn chưa làm việc đủ 12 tháng cho công ty thì không được chi trả trợ cấp mất việc làm và đúng là nếu công ty chấm dứt hợp đồng lao động với chị bạn vì lý do thay đổi cơ cấu hoặc vì lý do kinh tế thì không phải trả bất kỳ một khoản trợ cấp nào (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng lao động). Tuy nhiên, để có thể chấm dứt hợp đồng với chị bạn và không phải bồi thường do chấm dứt trước thời hạn trong trường hợp này, công ty phải chứng minh được mình chấm dứt hợp đồng thực sự là vì lý do cả công ty thay đổi cơ cấu hoặc vì tình hình tài chính của công ty không cho phép và công ty không thể bố trí, sắp xếp được công việc cho chị bạn.
Nếu công ty không chứng minh được vấn đề này, việc công ty cho chị bạn nghỉ việc có thể là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và chị bạn có thể yêu cầu công ty bồi thường ít nhất 4 tháng tiền lương. Cụ thể về vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật đã được chúng tôi tư vấn qua bài viết “Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và vấn đề bồi thường?”, bạn có thể tham khảo để biết thêm về quyền lợi của người lao động trong trường hợp bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồn lao động trái pháp luật.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận