Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ấn định và công bố chậm nhất là 90 ngày trước ngày bầu cử.
Thứ nhất, các tổ chức tổ chức bầu cử
Hội đồng bầu cử
Để phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội trong phạm vi cả nước chậm nhất là chín mươi ngày trước ngày bầu cử Uỷ ban thường vụ Quốc hội thành lập Hội đồng bầu cử từ mười lăm đến hai mốt người gồm đại diện Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đại diện Uỷ ban thường vụ Quốc hội và đại diện chính phủ.
Hội đồng bầu cử có những nhiệm vụ và quyền hạn:
• Lãnh đạo việc tổ chức bầu cử trong cả nước, kiểm tra đôn đốc việc thi hành các quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội;
• Công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo trình tự bầu cử trong cả nước;
• Xét và giải quyết khiếu nại về công tác của các Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử; xem xét và giải quyết khiếu nại về công tác bầu cử do Uỷ ban bầu cử hoặc Ban bầu cử chuyển đến;
• Tiếp nhận và kiểm tra biên bản bầu cử do Uỷ ban bầu cử hoặc ban bầu cử gửi đến, làm biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước;
• Xét và quyết định việc bầu lại, bầu thêm hoặc huỷ bỏ kết quả ở các đơn vị bầu cử;
• Tuyên bố kết quả bầu cử trong cả nước;
• Cấp giấy chứng nhận cho đại biểu trúng cử;
• Trình Quốc hội biên bản tổng kết bầu cử và những hồ sơ tài liệu về bầu cử.
Hội đồng bầu cử của các cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc địa phương, quận, huyện, xã và thị trấn cũng có những nhiệm vụ, quyền hạn tương tự.
Uỷ ban bầu cử
Để phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội, trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Uỷ ban bầu cử. Uỷ ban bầu cử có từ bảy đến chín người, trong đó có đại diện Mặt trận Tổ quốc và đại diện chính quyền cùng cấp. Uỷ ban bầu cử có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
• Chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử ở đơn vị bầu cử; in thẻ cử tri và phiếu bầu
theo mẫu của Hội đồng bầu cử;
• Kiểm tra đôn đốc việc chấp hành những quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu
Quốc hội của các Ban bầu cử, Tổ bầu cử;
• Nhận đơn và hồ sơ của những người ứng cử;
• Lập danh sách những người ứng cử theo đơn vị bầu cử và báo cáo Hội đồng bầu cử
quyết định;
• Xét và giải quyết khiếu nại về bầu cử, về hoạt động của Ban bầu cử hoặc do Ban bầu cử gửi đến;
• Nhận và kiểm tra biên bản bầu cử;
• Thông báo kết quả bầu cử chung ở địa phương;
• Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định của Hội đồng bầu cử;
• Chuyển hồ sơ biên bản bầu cử lên Hội đồng bầu cử;
• Tổ chức việc bầu lại, bầu thêm theo quyết định của Hội đồng bầu cử.
Uỷ ban bầu cử là tổ chức bầu cử đặc thù của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, không
được tổ chức ở các cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các địa phương.
Ban bầu cử
Chậm nhất là sáu mươi ngày trước ngày bầu cử, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử một Ban bầu cử từ chín đến mười lăm người. Trong đó có đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện chính quyền địa phương.
Ban bầu cử có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
• Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các quyết định của pháp luật về bầu cử đại biểu
Quốc hội của các Tổ bầu cử;
• Kiểm tra, đôn đốc việc bố trí các bàn phiếu;
• Xét và giải quyết khiếu nại về công tác của các Tổ bầu cử;
• Phân phối phiếu bầu cho các tổ bầu cử chậm nhất là năm ngày trước ngày bầu cử;
• Kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri;
• Niêm yết danh sách người ứng cử trong đơn vị bầu cử;
• Xét và giải quyết khiếu nại về người ứng cử;
• Kiểm tra trong việc bầu cử tại các phòng bỏ phiếu;
• Tiếp nhận, kiểm tra biên bản kiểm phiếu do các tổ bầu cử gửi đến; làm biên bản
xác định kết quả bầu cử trong đơn vị để gửi lên Hội đồng bầu cử và tuyên bố kết quả
đó;
• Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định của Hội đồng bầu cử;
• Giao hồ sơ, tài liệu về bầu cử cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
• Tổ chức việc bầu lại, bầu thêm theo quy định của luật bầu cử đại biểu Quốc hội.
• Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cũng được tổ chức với thành phần và
nhiệm vụ tương tự ở các đơn vị bầu cử.
Tổ bầu cử
Chậm nhất là hai mươi ngày trước ngày bầu cử, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử gồm từ năm đến mười một người trong đó có đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện chính quyền địa phương. Các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu của mình một Tổ bầu cử từ năm đến chín người đại diện đơn vị. Tổ bầu cử bầu ra một Tổ trưởng, một Phó tổ trưởng thư ký và các thành viên.
Tổ bầu cử có nhiệm vụ: Tổ chức cuộc bỏ phiếu trong khu vực bỏ phiếu, bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu, phát phiếu có đóng dấu của của Tổ bầu cử cho các cử tri, bảo đảm trật tự trong phòng bỏ phiếu, kiểm phiếu, giao biên bản kiểm phiếu và tất cả những phiếu bầu cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định của cấp trên.
Nhiệm vụ, thành phần Tổ bầu cử của các cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân
địa phương cũng tương tự.
Khi tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội trùng với các cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tức là cùng tổ chức một ngày, nên đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội là lãnh thổ tỉnh, thì thường Hội đồng bầu cử tỉnh kiêm luôn nhiệm vụ Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội tỉnh, nếu đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh là huyện, thì Hội đồng bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh kiêm luôn cả nhiệm vụ Ban bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh. Nếu đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện là xã thì Hội đồng bầu cử xã kiêm luôn nhiệm vụ Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện.
Các tổ chức phụ trách bầu cử làm việc theo chế độ tập thể. Các cuộc họp được tiến hành khi có 2/3 tổng số thành viên tham dự. Các quyết định được thông qua khi có đa số thành viên biểu quyết tán thành.
Thứ hai, trình tự bầu cử
Trình tự cuộc bầu cử được bắt đầu bằng việc ấn định ngày tiến hành bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ấn định và công bố chậm nhất là 90 ngày trước ngày bầu cử. Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật, và nhiệm kỳ Quốc hội, nhiệm kỳ hội đồng nhân dân đã kết thúc. Trong trường hợp đặc biệt không thể tiến hành bầu cử theo đúng nhiệm kỳ thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét và quy định.
Căn cứ vào ngày bỏ phiếu (ngày bầu cử) đã được ấn định, các công việc tiến hành bầu cử được phân định thành các công đoạn theo các điểm mốc thời gian, để đảm bảo tiến độ của công việc bầu cử.
Sau công việc ấn định ngày bỏ phiếu là công việc thành lập các Hội đồng bầu cử và ấn định đơn vị bầu cử, số lượng các đại biểu cần phải bầu cho mỗi đơn vị.
Đơn vị bầu cử là một đơn vị địa dư có số dân cư nhất định, được bầu một số lượng đại biểu nhất định.
Đối với bất cứ một nước nào, việc chia đơn vị bầu cử và quy định mỗi đơn vị bầu cử được bầu mấy đại biểu là vấn đề có tính chiến lược. Phổ biến trên thế giới hiện nay là quy định mỗi đơn vị bầu cử bầu một đại biểu. Cách bầu này có ưu điểm làm cho cử tri dễ tìm hiểu, lựa chọn bầu đại biểu, dễ giám sát đại biểu, tạo điều kiện tranh cử giữa các ứng cử viên. Nhưng có yếu điểm lãnh thổ bị quá chia cắt, chia không đều rất dễ cho việc vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử.
Quy định truyền thống ở nước ta là mỗi đơn vị bầu nhiều đại biểu. Sắc lệnh số 51 quy định: “đơn vị tuyển cử là tỉnh, số đại biểu của mỗi tỉnh thì căn cứ vào số dân mà ấn định”. Theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội 1959 thì số đại biểu định cho mỗi đơn vị là căn cứ vào số dân của đơn vị đó: Cứ hai vạn dân được cử một đại biểu; cho phép mỗi đơn vị bầu cử bầu mười đại biểu trở xuống; những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương số đại biểu có từ mười người trở lên thì có thể chia thành nhiều đơn vị bầu cử (Điều 13 ).
Trong những lần bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các khoá gần đây, càng ngày số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử càng được giảm bớt, nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết của cử tri đối với đại biểu. Mỗi đơn vị được bầu không quá ba đại biểu.
Việc chia đơn vị bầu cử và xác định số lượng các đại biểu cần phải bầu của mỗi đơn vị đối với đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị và số đại biểu của mỗi đơn vị được bầu tính căn cứ theo số dân được công bố chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử.
Số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương danh sách các đơn vị, và số đại biểu của mỗi đơn vị do Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương ấn định và phải được Chính phủ phê chuẩn.
Số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính khác,danh sách các đơn vị và số đại biểu của mỗi đơn vị do Uỷ ban nhân dân cùng cấp ấn định và phải được Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn.
Danh sách các đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp nào do Uỷ ban nhân dân cấp ấy gửi đến Hội đồng bầu cử cùng cấp.
Chậm nhất là năm mươi ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử phải công bố danh sách đơn vị bầu cử, cũng với số lượng đại biểu được bầu.
Căn cứ vào lãnh thổ các đơn vị bầu cử được hình thành, các hoạt động khác có liên quan đến bầu cử tiến hành càng sớm càng tốt. Trước hết là việc thành lập các Ban bầu cử, thành phần và nhiệm vụ như phần trên đã nêu. Sau đó là việc thành lập các khu vực bỏ phiếu, và các tổ chức phụ trách khu vực bỏ phiếu là Tổ bầu cử.
Khu vực bỏ phiếu là phạm vi địa dư có số dân nhất định, nơi trực tiếp tiến hành việc bỏ phiếu bầu đại biểu. Mỗi đơn vị bầu cử được chia thành nhiều khu vực bỏ phiếu; Mỗi khu vực bỏ phiếu gồm từ năm trăm đến bốn nghìn người. Mỗi đơn vị bầu cư có thể chia thành các khu vực khác nhau, tuỳ theo sự thuận tiện của việc đi bỏ phiếu của cử tri. Nhưng chí ít mỗi đơn vị bầu cử phải có một khu vực bỏ phiếu.
Đối với những xã và thị trấn miền xuôi có dưới bốn nghìn người, cũng như với những bản, buôn, thôn xóm cách nhau quá xa ở miền núi, hải đảo thì dù chưa tới năm trăm người cũng có thể thành lập một khu vực bỏ phiếu. Các bệnh viện, nhà an dưỡng, nhà nuôi người tàn tật, nhà hộ sinh có từ năm mươi cử tri trở lên có thể tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng.
Việc chia khu vực bỏ phiếu do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ấn định và phải được Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn. Các đơn vị quân đội nhân dân tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng.
Công đoạn quan trọng thứ hai sau các công cuộc trên là việc giới thiệu ứng cử viên. Tất cả các công việc của công đoạn này được Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định thành một chương.
Chương V ứng cử, đề cử và hiệp thương giới thiệu ứng cử viên đại biểu. Các công việc này về nguyên tắc sẽ được tiến hành ngay sau khi đã ấn định đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu tại mỗi đơn vị.
Pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội, và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp với cấp đơn vị bầu cử và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên cấp đơn vị bầu cử được quyền giới thiệu ứng cử viên. Sở dĩ pháp luật giao nhiệm vụ quan trọng này cho Mặt trận Tổ quốc, vì Mặt trận Tổ quốc là cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh vấn đề trên, để thể hiện đúng quyền công dân (quyền con người) trong lĩnh vực chính trị, Hiến pháp và luật bầu cử còn quy định công dân có đầy đủ tiêu chuẩn đại biểu có thể ứng cử.
Công dân muốn ứng cử đại biểu Quốc hội, thì chậm nhất 60 ngày trước ngày bầu cử phải nộp tại Uỷ ban bầu cử nơi mình ra ứng cử đơn xin ứng cử, kèm theo lý lịch và giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi cư trú về quyền ứng cử của mình (chứng nhận không thuộc diện không có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên).
Công dân tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì chậm nhất 45 ngày trước ngày bầu cử phải nộp hồ sơ tại Hội đồng bầu cử nơi mình ứng cử.
Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm chuyển hồ sơ của các công dân tự ứng cử về Uỷ ban Mặt trận tổ quốc cùng cấp, để Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc tổ chức hiệp thương sơ bộ danh sách ứng cử viên.
Điều 28 Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định:“Chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cấp bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tổ chức Hội nghị gồm đại diện các tổ chức thành viên để hiệp thương thoả thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người được đề cử của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, và đơn vị vũ trang nhân dân đóng tại địa phương”.
Theo cơ cấu, thành phần và số lượng ngườiđược đề cử đã thoả thuận, trên cơ số tiêu chuẩn đại biểu, Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt nam, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân đề cử đại biểu của mình ra ứng cử.
Hội nghị thứ hai là Hội nghị hiệp thương sơ bộ. Trên cơ sở tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phấn và số lượng đã thoả thuận, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt nam, và đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận tập hợp danh sách sơ bộ những người tự ứng cử, và những người được đề cử, giữ lấy ý kiến cử tri.
Hội nghị cử tri lấy ý kiến đóng góp cho ứng cử viên kể cả người được đề cử lẫn người ứng cử, được tổ chức theo đơn vị buôn, bản, thôn, xóm ấp, tổ dân phố do Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với chính quyền cùng cấp triệu tập và chủ trì.
Hội nghị cử tri ở cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế do thủ trưởng cơ quan hoặc người đứng đầu của tổ chức phối hợp với Công đoàn cùng cấp triệu tập và chủ trì. Hội nghị cử tri ở đơn vị vũ trang nhân dân do thủ trưởng đơn vị triệu tập và chủ trì.
Tại các hội nghị này, cử tri đối chiếu tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội (hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân) để nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người tự ứng cử, người được đề cử bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín theo quyết định của hội nghị.
Người tự ứng cử, người đề cử hoặc đại diện tổ chức, cơ quan, đơn vị có người được đề cử được mời dự hội nghị này.
Hội nghị hiệp thương thứ ba là hội nghị hiệp thương chính thức. Căn cứ vào danh sách người tự ứng cử, người được đề cử và kết quả của hội nghị cử tri, Ban thường trực đoàn chủ tịch ở Trung ương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương thoả thuận với đại diện của các tổ chức xã hội thành viên, để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (đại biểu Hội đồng nhân dân).
Chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, 40 ngày trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Đoàn chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, phải gửi biên bản hội nghị hiệp thương và danh sách người ứng cử đến Hội đồng bầu cử và Ban bầu cử. Đối với việc bầu cử đại biểu Quốc hội, gửi về Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội đồng bầu cử nhận danh sách ứng cử viên, đồng thời phân bổ ứng cử viên cho các đơn vị (hạt) bầu cử theo đề nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo nguyên tắc “số người ứng cử đại biểu phải nhiều hơn số đại biểu phải bầu”.
Kể từ ngày công bố danh sách người ứng cử, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo với Ban bầu cử hoặc Uỷ ban bầu cử những sai lầm, thiếu sót trong danh sách người ứng cử. Ban bầu cử (hoặc Uỷ ban bầu cử) phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo đó. Nếu người khiếu nại hoặc tố cáo không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử (hoặc Uỷ ban bầu cử) thì có quyền khiếu nại, tố cáo với Hội đồng bầu cử. Quyết định của Hội đồng bầu cử là quyết định cuối cùng.
Người ứng cử không được tham gia Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử thuộc đơn vị mình ra ứng cử. Nếu là thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử thuộc đơn vị mình ra ứng cử, thì người ứng cử phải rút khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử kể từ ngày ghi tên vào danh sách ứng cử viên.
Công đoạn tiếp theo là việc tổ chức bỏ phiếu. Việc bầu cử được tiến hành thống nhất một ngày trong phạm vi lãnh thổ. Ngày đó là ngày chủ nhật. Cuộc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối và phải được tiến hành liên tục. Nếu có trường hợp bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì tổ bầu cử phải niêm phong giấy tờ và bàn phiếu lại và có biện pháp cần thiết để cuộc bỏ phiếu được tiếp tục.
Cử tri phải tự mình đi bầu, phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu và phải tự bỏ phiếu vào thùng phiếu.
Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, phải tiến hành kiểm phiếu ngay tại phòng bỏ phiếu. Việc kiểm phiếu phải có sự chứng kiến của hai cử tri. Người ứng cử, các phóng viên báo chí, điện ảnh, nhiếp ảnh, truyền hình, phát thanh được chứng kiến việc kiểm phiếu. Số phiếu bầu phải được kiểm thành 3 loại:
Số phiếu hợp lệ là phiếu có dấu tổ bầu cử phát ra, và số lượng ứng cử viên còn lại không gạch bằng hoặc ít hơn số đại biểu được ấn định. (Nói cách khác là những phiếu cho phép nhân viên Tổ bầu cử xác định rõ ý chí của cử tri muốn bầu cử cho ai).
Số phiếu không hợp lệ gồm những lá phiếu không do Tổ bầu cử phát ra, số lượng ứng cử viên còn để lại nhiều hơn số đại biểu được ấn định cho đơn vị bầu cử.
Số phiếu trắng là số phiếu gạch hết. Số phiếu trắng trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành là phiếu không hợp lệ.
Theo số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu, những người ứng cử được quá nửa số phiếu hợp lệ và được nhiều phiếu hơn cả là trúng cử.
Hiện nay đang tồn tại hai cách giải quyết đối với trường hợp được nhiều người được số phiếu bằng nhau.
Theo quy định tại Điều 52 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội “Trong trường hợp nhiều người được số phiếu bằng nhau thì dựa vào thứ tự tuổi mà sắp xếp, người nhiều tuổi hơn được trúng cử” Đây là cách giải quyết theo quan niệm truyền thống của nhiều Nhà nước, nghị sĩ là phải nhiều tuổi. Có nhiều ý kiến không nhất trí với cách giải quyết này. Vì vậy Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định vấn đề theo cách khác: “Nếu có nhiều người được số phiếu bầu ngang nhau thì Hội đồng bầu cử xét, quyết định người trúng cử theo đề nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và của Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử ấy” (Điều 52).
Nếu trong cuộc bầu cử đầu tiên, số người trúng cử chưa đủ số đại biểu quy định cho đơn vị bầu cử thì phải tổ chức bầu thêm số đại biểu còn thiếu. Việc bầu thêm đại biểu do Hội đồng bầu cử quyết định. Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ cho phép tiến hành bầu thêm khi số lượng đại biểu lần đầu không đủ hai phần ba số đại biểu được ấn định cho đơn vị bầu cử.
Trong cuộc bầu thêm, cử tri chọn bầu trong danh sách những người ứng cử nhưng không trúng cử kỳ đầu.
Về việc bầu lại, luật quy định có hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, ở đơn vị bầu cử nào, nếu số cử tri đi bầu chưa được quá nửa số cử tri ghi trong danh sách, thì Ban bầu cử ghi rõ điểm đó vào biên bản và báo cáo ngay cho Hội đồng bầu cử. Hội đồng bầu cử phải quyết định ngày bầu lại chậm nhất là mười lăm ngày sau ngày bầu cử đầu tiên - Trường hợp thứ hai là trường hợp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng làm sai lệch kết quả bầu cử thì phải huỷ bỏ kết quả bầu cử và tổ chức bầu lại.
Việc bầu thêm hoặc bầu lại vẫn theo danh sách cử tri đã lập trong cuộc bầu cử đầu tiên và phải được tiến hành theo những quy định của Luật bầu cử. Kết quả bầu lại, bầu thêm của cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được xác định như cuộc bầu cử lần đầu. Nếu không thành công thì cuộc bầu cử coi như kết thúc.
Thạc sỹ Phạm Ngọc Minh - Khoa Luật Trường Đại
học Hòa Bình
Liên kết đào tạo và hợp tác việc làm giữa Trường
Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest là hoạt động cần thiết để giải
quyết thực trạng chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của nhà
trường. Hướng đến mục tiêu đào tạo 100% sinh viên có việc làm sau khi trường,
Trường Đại học Hòa Bình triển khai liên kết chặt chẽ với Công ty Luật TNHH
Everest trong công tác đào tạo sinh viên và tạo điều kiện việc làm cho sinh
viên mới ra trường. Để được tư vấn pháp luật, Quý khách vui lòng gọi tới tổng
đài tư vấn 19006198.
Bình luận