Bố anh (chị) nên căn cứ vào hợp đồng vay tiền cụ thể của bố với bên cho vay để có thể xác định nghĩa vụ trả nợ cũng như những thỏa thuận mà 2 bên đã thỏa thuận với nhau về việc giải quyết việc vay tiền khi một bên vi phạm nghĩa vụ để có cách giải quyết phù hợp.
Hỏi: Hiện tại bố tôi có nợ một người 124 triệu. Theo như trong giấy nợ thì khoản tiền này từ năm 1998 và không ghi rõ mục đích vay mượn tiền.Thời gian gần đây người đấy thường đến nhà cùng với một số người lạ mặt kèm theo những lời lẽ đe doạ. Gia đình tôi đã thoả thuận là sẽ giải quyết từ từ vì điều kiện đang khó khăn không thể trả hết một lần nhưng không được. Đề nghị Luật sư tư vấn, bây giờ nếu gia đình xin nhờ pháp luật can thiệp thì sẽ như thế nào hay là có cách giải quyết nào tốt hơn? (Nguyễn Chí Trung - Long An)
Luật gia Trần Huy Hoàng - Tổ tư vấn pháp luật hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
1. Về việc trả nợ tiền vay của bố anh (chị) cho bên cho vay
Do anh (chị) không nói rõ việc vay tiền của bố anh (chị) với người kia là hợp đồng vay tiền có kỳ hạn hay không có kỳ hạn nên chúng tôi không thể tư vấn chính xác cho anh (chị) được. Chính vì vậy, trường hợp của anh (chị) chúng tôi sẽ tư vấn cho anh (chị) theo hướng sau đây:
-Thứ nhất: Nếu như vẫn chưa hết thời hạn vay tiền theo hợp đồng vay tiền có kỳ hạn giữa bố anh (chị) với bên cho vay thì:
Điều 474 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005)quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.
Theo như quy định trên thì bố anh (chị) sẽ không vi phạm nghĩa vụ trả tiền cho bên vì thời hạn trả nợ vẫn chưa hết. Tuy nhiên, đối với khoản tiền lãi thì bố anh (chị) vẫn sẽ phải trả đủ cho bên cho vay và việc trả lãi và số lãi này sẽ phải tuân theo mức lãi suất do ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ:
Điều 476 BLDS 2005 Lãi suất
“1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.
-Thứ hai: Nếu hợp đồng vay tiền của bố anh (chị) với ngân hàng là hợp đồng vay có kỳ hạn và đã hết hạn trả tiền cho bên cho vay
Theo như quy định trên tại điều 474 bộ luật dân sự 2005 thì bố anh (chị) sẽ phải trả nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ do vi phạm nghĩa vụ trả nợ với bên cho vay
-Thứ ba: nếu hợp đồng vay tiền của bố anh (chị) với ngân hàng là hợp đồng vay không kỳ hạn
Điều 477 BLDS 2005 Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn
“1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thoả thuận khác.
2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý”.
Theo quy định trên thì bố anh (chị) có quyền trả lại tiền vay cho bên cho vay vào bất cứ lúc nào nhưng sẽ phải báo cho bên cho vay trước một thời gian hợp lý nếu như không có thỏa thuận khác
Còn nếu như hợp đồng vay tiền giữa bố anh (chị) với bên kia là hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay sẽ có quyền đòi lại tài sản vào bất cứ lúc nào nhưng sẽ phải thông báo trước cho bố anh (chị) biết trước
Như vậy, anh (chị) nên căn cứ vào tình hình thực tế của việc vay tiền giữa bố anh (chị) với bên cho vay để xác định xem bố anh (chị) có vi phạm nghĩa vụ trả nợ hay không
2. Về thời hạn khởi kiện yêu cầu trả nợ của bên cho vay đối với bố anh (chị)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011), thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là 2 năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Để thi hành đúng và thống nhất về thời hiệu khởi kiện, ngày 3/12/2012 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP. Cụ thể tại khoản 3 Điều 23 Nghị quyết quy định:
"- Đối với tranh chấp dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự (hợp đồng vay tài sản, hợp đồng gửi giữ tài sản, thuê tài sản, thuê khoán tài sản, hợp đồng gia công, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất) thì giải quyết như sau:
a) Đối với tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự thì áp dụng thời hiệu quy định trong văn bản quy phạm pháp luật tương ứng đối với loại giao dịch đó.
Ví dụ: Tranh chấp về hợp đồng thuê nhà thì thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng cho thuê tài sản được xác định theo quy định tại Điều 427 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện là 2 năm.
b) Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện."
Như vậy, với các quy định nêu trên, khi tranh chấp hợp đồng vay tiền (đối với nợ gốc), chủ nợ có quyền khởi kiện bất cứ lúc nào vì pháp luật không quy định về thời hiệu khởi kiện. Còn đối với khoản tiền lãi (nếu có) bên cho vay sẽ không có quyền khởi kiện đòi bố anh (chị) trả lại tiền lãi đó vì đã hết thời hạn khởi kiện đối với trường hợp này
Tóm lại, theo quy định trên thì bố anh (chị) nên căn cứ vào hợp đồng vay tiền cụ thể của bố anh (chị) với bên cho vay để có thể xác định nghĩa vụ trả nợ cũng như những thỏa thuận mà 2 bên đã thỏa thuận với nhau về việc giải quyết việc vay tiền khi một bên vi phạm nghĩa vụ để có câu trả lời chính xác nhất
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hợp đồng mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận