Do mảnh đất mà bố bạn muốn bán được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình nên khi bố bạn chuyển nhượng đất cần phải có sự đồng ý của các thành viên trong gia đình. Trường hợp ông cố tình bán bạn có thể yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.
Hỏi: Bố mẹ mình ngày trước có khai hoang được một mảnh đất nhưng mãi đến năm 2010 gia đình mình mới làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp và trên giấy ghi cấp cho hộ gia đình. Năm 2012, do mẫu thuẫn mẹ mình bỏ nhà đi, bố mình cũng lấy vợ mới rồi bị bà ta xúi giục bán mảnh đất khai hoang đó đi nhưng mình không đồng ý vì trên đó còn có công sức của mẹ mình, mình không muốn tiêu tán tài sản của gia đình vì người khác. Xin Luật sư tư vấn, có cách nào để mình giữ lại được mảnh đất đó không? Cha mình bán đất mà không có sự đồng ý của mình có được không (mình 20 tuổi)? (Đặng Văn Anh – Cao Bằng)
Luật gia Trần Thu Trang - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo quy định tại Điều 108 Bộ luật dân sự 2005, đất được cấp cho hộ gia đình thì thuộc quyền sở hữu chung của tất cả mọi thành viên trong hộ gia đình. Việc xác định những người có quyền đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình được căn cứ vào sổ hộ khẩu. Căn cứ vào khoản 2 Điều 109 BLDS thì việc định đoạt tài sản chung của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý.
Điều 108.Tài sản chung của hộ gia đình
“Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ."
Điều 109.Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình
“1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.
2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý."
Do đó, việc bố bạn cầm cố hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình phải được sự đồng ý của các thành viên đủ 15 tuổi trở lêntrong gia đình (cụ thể ở đây là mẹ, em gái và em trai của bạn - những người có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tại thời điểm này bạn đã tách khẩu nên không còn quyền tham gia việc định đoạt tài sản nữa). Nếu như bố bạn có thành lập bất cứ hợp đồng này liên quan đến việc định đoạt quyền sử dụng đất mà chưa có sự đồng ý của các thành viên còn lại trong gia đình thì bạn có thể bảo họ yêu cầu kiện lên Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 128 Bộ luật dân sự 2005.
Điều 128.Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội
“Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng."
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận