Cơ quan thi hành án kê biên phần tài sản của ông A trong khối tài sản chung đó thì phải xác định rõ những người được thừa kế tài sản của vợ ông A.
Hỏi: Ông A là người phải thi hành án, có tài sản là 01 ngôi nhà gắn liền với quyền sử dụng đất đứng tên hai vợ chồng ông A. Quá trình đôn đốc thi hành án, vợ ông A đã gửi đơn khởi kiện chia tài sản chung của 2 vợ chồng. Toà án đã thụ lý đơn nhưng chưa xét xử thì vợ ông A chết.Do vậy, Toà án đã đình chỉ việc khởi kiện chia tài sản chung. Nay cơ quan THA muốn kê biên tài sản chung của vợ chồng ông A thì có phải hướng dẫn các con của vợ chồng ông A khởi kiện ra Toà để chia di sản không? (Nguyễn Hoàng - Hưng Yên)
Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Trong trường hợp nêu trên, khi vợ ông A chết thì Tòa án đình chỉ vụ kiện phân chia tài sản chung của vợ chồng ông A do vợ ông A đã khởi kiện là có cơ sở. Tuy nhiên, lại phát sinh việc thừa kế tài sản của vợ ông A cho những người thừa kế của vợ ông A (như: ông A và các con của vợ chồng ông A), vì vậy cơ quan thi hành án kê biên phần tài sản của ông A trong khối tài sản chung đó thì phải xác định rõ những người được thừa kế tài sản của vợ ông A. Sau khi xác định đầy đủ những người được thừa kế tài sản của vợ ông A, cơ quan thi hành án áp dụng Điều 74 Luật Thi hành án dân sự để cưỡng chế đối với tài sản chung. "Trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, Chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế. Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung (trong vụ việc trên là chia thừa kế). Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án".
Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:
a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án.
b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận