-->

Xuất khẩu lao động nhưng bỏ trốn ra ngoài làm thì có lấy được sổ đỏ đã đặt cọc trước đó không?

Trường hợp, nếu trong hợp đồng lao động không có ghi rõ trường hợp, trách nhiệm của hai bên khi một bên vi phạm hợp đồng thì bạn có thể nhận lại được sổ đỏ của mình.

Hỏi: Hiện tại em đang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình tu nghiệp 3 năm. Trước khi đi em phải đặt cọc một khoản tiền và một sổ đỏ. Nhưng trong 2 đợt thi chuyển giai đoạn, để được tiếp tục ở lại Nhật Bản làm việc em đã không đạt và buộc phải về nước sớm. Giờ còn nợ nần chưa trả được nên em đã bỏ trốn ra ngoài làm. Em xin hỏi luật sư là em có bị mất sổ đỏ không và khi về nước em có lấy lại được sổ không? (Nguyễn Kính - Thái Nguyên)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Để giải quyết được vấn đề sau khi bạn về nước có nhận lại được sổ đỏ hay không thì phải căn cứ vào hợp đồng lao động mà bạn đã ký kết với doanh nghiệp hay tổ chức mà đã đưa bạn sang Nhật Bản. Nếu trong hợp đồng quy định rõ rằng vấn đề không thực hiện đúng hợp đồng lao động thì sau khi người lao động về nước sẽ không được hoàn trả lại những giấy tờ hay hồ sơ mà người lao động đã đưa cho người lao động trước khi đi sang Nhật Bản lao động. Lúc này, sau khi bạn về nước thì sẽ không được nhận lại sổ đỏ.

Trường hợp, nếu trong hợp đồng lao động không có ghi rõ trường hợp, trách nhiệm của hai bên khi một bên vi phạm hợp đồng thì bạn có thể nhận lại được sổ đỏ của mình. Tức là khi về nước, bạn có thể đến nơi bạn đã nộp những giấy tờ liên quan trên cho doanh nghiệp hoặc cơ quan để nhận lại sổ đỏ.

Căn cứ vào Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động như sau:

"Điều 44. Quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông tin về chính sách, pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; quyền và nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài;

2. Hưởng tiền lương, tiền công, thu nhập khác, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác quy định trong các hợp đồng và điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 40 của Luật này;

3. Được doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích trong Hợp đồng lao động, Hợp đồng thực tập;

4. Chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập và tài sản khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;

5. Hưởng các quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật

6. Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Điều 45. Nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

1. Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; đoàn kết với người lao động của nước tiếp nhận người lao động và người lao động của các nước khác;

2. Chủ động học nghề, học ngoại ngữ, tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan;

3. Tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

4. Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;

5. Làm việc đúng nơi quy định; thực hiện nội quy nơi làm việc và về nước sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng thực tập theo quy định của nước tiếp nhận người lao động;

6. Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;

7. Tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hình thức bảo hiểm theo quy định của nước tiếp nhận người lao động;

8. Nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;

9. Đóng góp vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này".

Như vậy, khi đi làm việc tại nước ngoài, bạn có nghĩa vụ làm việc đúng nơi quy định, đúng nơi làm ghi trong hợp đồng đã ký kết. Nếu bạn không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình thì bạn phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nơi tiếp nhận lao động. Bạn đã bỏ trốn ra ngoài làm việc, như vậy, có thể bạn sẽ bị phạt vi phạm hành chính và buộc trở về nước. Khi về nước, bạn có thể nhận lại sổ đỏ hoặc không nhận lại được sổ đỏ như đã phân tích ở trên.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.