Xây nhà trên đất nông nghiệp, bị xử phạt thế nào?

Trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp, tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Khách hàng Hoàng Bắc (Hưng Yên) đề nghị luật sư tư vấn, chế tài đối với người xây nhà trên đất nông nghiệp.

[?] Anh trai của tôi chuẩn bị lấy vợ, nên bố mẹ muốn xây nhà cho ở riêng. Gia đình tôi xây nhà trên mảnh đất nông nghiệp của bố mẹ tôi nhưng chưa xin phép cơ quan nhà nước. Tôi muốn hỏi xây nhà trên đất nông nghiệp bị phạt như thế nào?

d
Luật sư tư vấn pháp luật - Tổng đài tư vấn (24/7):1900 6198

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng Chi nhánh Quảng Ninh Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:


Thứ nhất, xây nhà trên đất nông nghiệp cần phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

Điều 57 Luật Đất đai năm 2013 quy định về chuyển mục đích sử dụng đất như sau:

"1- Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm: (a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; (b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm; (c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp; (d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; (đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất; (e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở; (g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

2- Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng".

Như vậy, theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (đất thổ cư) cần phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Do đó, hành vi xây nhà trên đất nông nghiệp của gia đình anh (chị) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép là hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Như vậy, gia đình anh (chị) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể phải trịch trách nhiệm hình sự đối với hành vi này.

Thứ hai, xây nhà trên đất nông nghiệp không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị xử lý vi phạm hành chính.

Điều 6 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép:

"1- Chuyển mục đích sử dụng sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng thì hình thức và mức xử phạt như sau: (a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta; (b) Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta; (c) Phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

2- Chuyển mục đích sử dụng sang đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì hình thức và mức xử phạt như sau: (a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta; (b) Phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta; (c) Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

3- Chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau: (a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta; (b) Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta; (c) Phạt tiền từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

4- Biện pháp khắc phục hậu quả: (a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này; (b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này".

Như vậy, theo quy định của pháp luật trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền (tức chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép) thì tùy vào diện tích chuyển đổi sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 6 Nghị định 102/2014/NĐ-CP.

Ngoài ra, có thể bị buộc phải khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm (tháo, dỡ, đập, phá…) nhà cửa.

Thứ ba, người xây nhà trên đất nông nghiệp có thể bị xử phạt về việc xây dựng nhà ở mà không xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp công trình được miễn giấy phép xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014.

Trường hợp của gia đình anh (chị) nếu không thuộc diện được miễn giấy phép xây dựng. Bởi thế, theo quy đinh tại Điều 12 Luật Xây dựng năm 2014 thì hành vi xây dựng công trình khi chưa có giấy phép xây dựng đối với công trình phải có giấy phép là hành vi có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 6 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP. Cụ thể, nếu gia đình anh (chị) xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng hoặc từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị.

Thứ tư, xây nhà trên đất nông nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 343 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở như sau: "1- Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.2- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng".

Như vậy, ngoài việc bị xử phạt hành chính, trong trường hợp gia đình anh (chị) đã bị xử phạt hành chính về hành vi xây nhà trái phép hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 343 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xem thêm



Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  1. Nội dung bài tư vấn pháp luật đất đai mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  1. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.