Quá trình tố tụng, bà Mai Thị Bắc Phương (bị đơn) khẳng định Hợp đồng tín dụng số 92212N/HÐTD mà bà ký với Agribank Đình Trám là giả tạo. Bà Phương không vay tiền của Agribank Đình Trám, bản chất của khoản vay này là để đảo nợ của Công ty Việt Dũng. Nội dung này đã được bị đơn và kèm theo các chứng cứ cụ thể, nhưng không được Tòa án cấp sơ thẩmxem xét đầy đủ.
Ai là người thụ hưởng số tiền vay?
Như đã thông tin tại bài viết trước đó: “Vụ Agribank khởi kiện khách hàng: Không ký thế chấp sao vẫn mất nhà?”, bà Mai Thị Bắc Phương (bị đơn) cho rằng: Công ty TNHH TM&XD Việt Dũng (“Công ty Việt Dũng”) trước đây thuộc sở hữu của ông Mai Quang Dũng và bà Nguyễn Huấn Thị. Khoảng năm 2009-2010, Công ty Việt Dũng kinh doanh thua lỗ, không trả được nợ cho Agribank Đình Trám. Các cán bộ của Agribank Đình Trám đã khi đó đã hướng dẫn Công ty Việt Dũng “đảo nợ” ngân hàng, đồng thời chuyển khoản vay từ Công ty Việt Dũng sang cho bà Phương (là em gái của ông Dũng). Bà Phương thời điểm đó đang làm việc, giữ chức phó giám đốc, có tham gia bảo hiểm xã hội tại Công ty.
Toàn bộ hồ sơ này đều do cán bộ Agribank Đình Trám làm sẵn, đưa cho mọi người ký. Vì không soạn hồ sơ, lại tin tưởng cán bộ Agribank Đình Trám nên bà Phương chỉ ký vào hợp đồng vay vốn, bà Phương không biết đến sự tồn tại của Hợp đồng thế chấp số 92212.07/HĐTC giữa Agribank Đình Trám với hộ gia đình ông Nguyễn Đức Trụ.
Vụ án được thụ lý từ ngày 04/6/2015 nhưng mãi đến ngày 18/6/2018 TAND TP. Bắc Giang mới hoàn thành xét xử sơ thẩm. Bản án số 04/2018/KDTM-ST kết luận: "Việc bà Phương cho rằng bà vay số tiền này của Ngân hàng để trả nợ cho Công ty Việt Dũng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Khu công nghiệp Đình Trám là không có căn cứ và không được chấp thuận”.
Đại diện nguyên đơn (Agribank Đình Trám) khẳng định: “việc lập hồ sơ và ký kết hợp đồng tín dụng và các hợp đồng thế chấp với bà Phương, ông Bản, ông Trụ và bà Đường là đúng trình tự thủ tục theo quy định. Mục đích bà Phương vay tiền là để kinh doanh sơn, bột bả. Số tiền bà Phương vay được chuyển khoản cho Công ty Việt Dũng”.
Để chứng minh có hay không Agribank Đình Trám đồng ý cho Công ty Việt Dũng “đảo nợ”, cũng như vì sao bị đơn (Mai Thị Bắc Phương) và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (hộ gia đình ông Nguyễn Đức Trụ) lại khẳng định đây là hợp đồng giả tạo, họ đưa ra các chứng cứ khá rõ ràng.
Thời điểm năm 2009-2010, Công ty Việt Dũng đã ở tình trạng mất khả năng thanh toán, thực chất đã phá sản. Công ty Việt Dũng không còn tiền, không còn tài sản thì liệu rằng trong kho của họ còn hàng tồn kho để bán cho bà Phương như phần nội dung về mục đích vay vốn tại Hợp đồng tín dụng số 92212N/HÐTD hay không? Hơn nữa, nếu thực sự còn hàng tồn kho (sơn) thì tại sao Công ty lựa chọn giải pháp bán hàng sơn cho khách hàng để thu hồi vốn trả cho Agribank Đình Trám tránh nợ xấu, mà lại bán hàng cho chính “người nhà” là bà Phương?
Thực tế, khoản vay của bà Phương sau khi được Agribank Đình Trám giải ngân đã được chuyển vào tài khoản của Công ty Việt Dũng ngay trong cùng ngày (21/03/2012). Ngoài khoản tiền này, cùng ngày 21/03/2012, Agribank Đình Trám cũng giải ngân cho gia đình bà Nguyễn Thị Thủy (chị dâu của ông Dũng, bà Thị) một khoản vay, để rồi sau đó Agribank Đình Trám nhập khoản tiền này vào tài khoản của Công ty Việt Dũng. Nội dung này được thể hiện rõ ràng tại sổ phụ của Công ty Việt Dũng tại Agribank Đình Trám. Điều đó có nghĩa rằng, số tiền Agribank Đình Trám giải ngân cho bà Phương và bà Thủy, ngay lập tức hoàn lại Agribank Đình Trám dưới hình thức “thanh toán tiền mua sơn, bột bả của Công ty Việt Dũng” và Agribank Đình Trám thu hồi nợ của Công ty Việt Dũng.
Những chứng cứ rõ ràng của hợp đồng giả tạo
Thực tế, hộ gia đình bà Phương có kinh doanh hay không và có vay vốn của Agribank Đình Trám hay không. Chúng tôi cho rằng, không khó để trả lời câu hỏi này, bởi: bà Mai Thị Bắc Phương có đăng ký kinh doanh (hình thức hộ kinh doanh), nhưng lại không phát sinh doanh thu, không kê khai, không nộp thuế. Chỉ cần một xác minh đơn giản, có thể xác định được ngay một cơ sở kinh doanh hay không, khi cơ sở này không phát sinh doanh thu, không có hóa đơn tài chính để bán hàng, không kê khai nộp thuế. Thế nhưng các Biên bản kiểm tra sau giải ngân của Agribank Đình Trám, cụ thể là các biên bản ngày 28/03/2012 và ngày 31/03/2012 đều thể hiện cùng một nội dung: “khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, kinh doanh có hiệu quả, có khả năng trả nợ gốc, lãi ngân hàng đúng hạn”. Nếu thực sự có hoạt động kinh doanh có hiệu quả như nhận định của Agribank Đình Trám thì tại sao bà Phương lại không có nguồn tiền để trả cho Agribank Đình Trám mà dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ, nguy cơ tài sản là căn nhà duy nhất của gia đình bà Phương (bị đơn) cũng bị phát mại?
Một chứng cứ thể hiện khá rõ ràng của việc đảo nợ ngân hàng đó là tài sản thế chấp của khách hàng cho Agribank Đình Trám. Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (GCN) số Q129357 ngày 11/05/2001 của hộ gia đình bà Mai Thị Bắc Phương và GCN số D773342 ngày 31/12/2003 của hộ gia đình ông Nguyễn Đức Trụ thể hiện: tài sản này được xóa thế chấp tại vào ngày 22/12/2010 cho khoản vay của Công ty Việt Dũng, nhưng đăng ký thế chấp cùng ngày hôm đó (22/12/2010) cho khoản vay của hộ kinh doanh Mai Thị Bắc Phương. Thông tin trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện, việc đăng ký xóa thế chấp và thế chấp mới đều do cán bộ Agribank Đình Trám mà không phải bởi đại diện hộ gia đình bà Phương, hay ông Trụ thực hiện. Chính vì việc đăng ký xóa thế chấp và thế chấp “siêu tốc” này, mà các thành viên của hộ gia đình ông Trụ cho rằng, bố mẹ họ (ông Trụ, bà Đường) đã bị lừa dối. Ông Trụ, bà Đường không thể biết rằng, hợp đồng mà họ ký, điểm chỉ là chính là hợp đồng thế chấp nhà đất của gia đình cho khoản vay của bà Phương, mà không phải của Công ty Việt Dũng.
Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng Chi nhánh Quảng Ninh của Công ty Luật TNHH Everest - nhận định: Việc Ngân hàng cho giải ngân một hợp đồng mới để trả nợ cho hợp đồng cũ được xác định là đảo nợ. Khi đảo nợ, món nợ cũ sẽ được thay bằng một món nợ mới "sạch sẽ". Thế nhưng thực chất tiền không ra khỏi kho của Ngân hàng, chỉ là sử dụng tiền của món vay mới để trả nợ cho món vay cũ. Việc đảo nợ nói chung bị nghiêm cấm tại các tổ chức tín dụng theo quy chế cho vay vốn của ngân hàng nhà nước. Tại điểm c khoản 4 Điều 14 (vi phạm về cho vay) Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 có quy định “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 9.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: .... đảo nợ không theo quy định của pháp luật”. Căn cứ theo quy định này, Hợp đồng tín dụng số 92212N/HÐTD cần bị xác định là vô hiệu.
Bình luận