Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
Hỏi: Bố mẹ em đang trong quá trình ly hôn nên có vướng mắc việc phân chia tài sản chung. Bố em có vợ bé nên mẹ em muốn ly hôn. Nhưng hiện tại mẹ em đang có 1 miếng đất và 1 căn nhà đứng tên mẹ em. Theo em được biết, nếu muốn bán miếng đất và căn nhà này theo Luật đất đai mới thì phải có chữ ký của bố em mới được. Bên cạnh đó bố em cũng đòi chia 1 phần tiền nếu bán đất và nhà thì mới đồng ý ly hôn. Vì vậy, mẹ em muốn làm 1 thoả thuận về quyền mua bán miếng đất và căn nhà với bố em (em không biết là dùng từ "thoả thuận" có chính xác chưa hay phải dùng 1 từ nào khác nữa). Cụ thể là mẹ em sẽ thoả thuận đưa cho bố em một số tiền để đổi lại bố em sẽ không tham gia vào việc mua bán miếng đất và nhà, đồng thời sẽ không tranh chấp hay chia khối tài sản đất và nhà này khi ra toà ly hôn. Xin hỏi quý công ty việc thoả thuận này có thể thực hiện được không để có thể đảm bảo khi ra toà ly hôn, bố em sẽ không thể đòi chia phần khối tài sản nhà và đất này nữa? Nếu được thì mẹ em cần phải làm loại văn bản như thế nào ạ? Đề nghị Luật sư tư vấn. (Khải Hưng - Hà Nam)
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Về hồ sơ ly hôn bạn cần chuẩn bị hồ sơ và gửi đơn lên yêu cầu xin ly hôn lên Tòa án bao gồm:
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
- Sổ hộ khẩu, giấy CMND của vợ, chồng
- Các tài liệu chứng minh tài sản chung
Sau khi có thông báo về nộp tiền tạm ứng án phí thì bạn tiến hành nộp và gửi biên lai đó lại cho tòa án, Tòa án sẽ xem xét và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự
Thứ nhất, mảnh đất và căn nhà đó thuộc sở hữu riêng của mẹ bạn
Quy định tại điều 43 Luật hôn nhân và gia đình:
“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”
Theo quy định tại Điều 44 Luật hôn nhân và gia đình về Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng
“1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
3. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
4. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.”
Mẹ bạn phải cung cấp được các chứng cứ chứng minh tài sản đó thuộc sở hữu, là tài sản riêng của mẹ bạn. Nếu chứng minh được điều này thì khi ly hôn thì số tài sản đó thuộc sở hữu của mẹ bạn và không bị chia.
Thứ hai, Xác định tài sản đó thuộc sở hữu của bố mẹ bạn.
Ly hôn là vụ việc mà được Nhà nước và xã hội khuyến khích hòa giải
Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình quy định:
“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.”
Vậy khi ly hôn thì tài sản của vợ chồng sẽ được giải quyết theo sự thỏa thuận, trừ trường hợp không thỏa thuận được thì sẽ tính đến các yếu tố khác theo luật định
Điều 52 Luật hôn nhân và gia đình quy định về Khuyến khích hòa giải ở cơ sở
“Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”
Quy định tại điều 54 Luật hôn nhân gia đình:
“Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”
Tại Khoản 1 Điều 180 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về Nguyên tắc tiến hành hoà giải
“1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hoà giải hoặc không tiến hành hoà giải được quy định tại Điều 181 và Điều 182 của Bộ luật này”
Trong thời gian hòa giải bố mẹ bạn có thể thỏa thuận về việc chia tài sản đó .
Khi bố mẹ được thống nhất được mọi vấn đề liên quan, tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành.
Quy định tại khoản 2 điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự
“2. Biên bản hoà giải phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của các đương sự có mặt trong phiên hoà giải, chữ ký của Thư ký Toà án ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải.
Khi các đương sự thoả thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Toà án lập biên bản hoà giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hoà giải”.
Theo quy định tại khoản 1 điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự:
“1. Hết thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Toà án phân công ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, Toà án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.”
Như vậy trong thời hạn 07 ngày làm việc mà bố mẹ bạn không có ý kiến gì thay đổi về sự thỏa thuận đó thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của bên đương sự
Quyết định này có hiệu lực pháp luật và được pháp luật bảo vệ đồng thời các bên tôn trọng và tuân theo quyết định đó.
Theo quy định tại khoản 2 điều 38 Luật hôn nhân gia đình
“2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật”
Nếu trước khi nộp đơn mà phía bố mẹ bạn đã thỏa thuận được việc chia tài sản thì tiến hành mang văn bản này đi công chứng và sau đó nộp kèm theo đơn lên tòa án để Tòa án xem xét và giải quyết.
Khi đã được công chứng thì văn bản có hiệu lực pháp luật và bố bạn cũng sẽ không có quyền lợi đối với mảnh đất đó nữa.
Trong trường hợp không thỏa thuận được thì sẽ Tòa án sẽ chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định của pháp luật có tính đến yếu tố đóng góp.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận