Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm: a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan;...
Hỏi: Tôi năm nay 30 tuổi và sắp kết hôn, trước khi kết hôn vợ tôi muốn làm một bản thoả thuận về tài sản giữa hai vợ chồng. Nội dung chính của bản thoả thuận là tài riêng của mỗi người có được trước khi kết hôn thì sau khi kết hôn vẫn thuộc tài sản riêng của mỗi người. Tiền lương hàng tháng sẽ không nhập vào tài sản chung mà hai người sẽ góp một khoản nhất định để làm một quỹ chung, sử dụng cho chi tiêu hàng ngày. Đề nghị luật sư tư vấn, liệu chúng tôi có thể làm thoả thuận đó được không? Việc lập bản thoả thuận như vậy có vi phạm quy định nào của pháp luật hay không? (Thanh Lan - Bắc Ninh)
Luật gia Nguyễn Ngọc - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo quy định của pháp luật thì: “Vợ chồng có quyền lựa chọn chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thoả thuận”. (Khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014). Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thoả thuận thì thoả thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Như vậy, anh/chị có thể thoả thuận chế độ tài sản trước khi kết hôn như mong muốn. Anh/chị có thể thoả thuận tất cả các nội dung liên quan về chế độ tài sản chỉ cần không trái với quy định của pháp luật và trái đạo đức xã hội. Anh/chị cũng có thể sửa đổi bổ sung thoả thuận về chế độ tài sản nếu sau này có nhu cầu. Tuy nhiên, anh/chị cần lưu ý rằng thoả thuận phải có những nội dung cơ bản sau: “Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng 1. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm: a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; d) Nội dung khác có liên quan. 2. Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định”.(Điều 48 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)
Theo Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng. Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận