Hợp đồng có thể thiết lập bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể, do đó, việc vay tiền giữa con dâu anh (chị) và anh (chị) chỉ bằng lời nói nhưng vẫn được coi là một hợp đồng dân sự, con dâu anh (chị) phải có nghĩa vụ trả nợ cho anh (chị) khi đến hạn
Hỏi: Tôi cho con dâu mượn 200.000.000 đồng đặt cọc vào ngân hàng làm chi nhánh thu tiền điện. Đến nay con dâu tôi đã làm đơn xin nghỉ việc, ngân hàng đã trả lại con dâu tôi số tiền trên. Khi đưa tiền cho con dâu tôi, tôi không viết giấy tờ gì. Hiện nay tôi muốn lấy lại số tiền trên thì phải làm thế nào? Hành vi của con dâu tôi có phải là lừa đảo không? Đề nghị Luật sư tư vấn, tôi phải làm như thế nào?
Thứ nhất, về giao dịch dân sự
Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định hợp đồng vay tài sản như sau:"Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Giao dịch dân sự đượcthể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. (khoản 1 Điều 119) .
Như vậy, theo như anh/chị trình bày thì anh/chị có cho con dâu vay số tiền 200.000.000 đồng. Căn cứ quy định nêu trên, giữa anh/chị và con dâu anh/chị đã thiết lập một hợp đồng vay tài sản bằng lời nói. Do vậy, nếu đã đến thời hạn trả nhưng con dâu của anh/chị chưa trả cho anh/chị thì anh/chị có quyền yêu cầu con dâu trả lại khoản tiền đã vay.
Trường hợp con dâu của anh/chị đến hạn trả tiền mà không trả tiền cho anh/chị thì anh/chị hoàn toàn có thể yêu cầu trả tiền lãi trong những ngày chậm trả theo quy định Điều 357 Bộ luật Dân sự:"1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. 2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này."
Trong trường hợp đã quá hạn và con dâu của anh/chị không trả tiền thì anh/chị có quyền nộp đơn khởi kiện ra tòa án cấp huyện nơi con dâu của anh/chị cư trú yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, khi yêu cầu tòa án giải quyết anh/chị phải đưa ra được căn cứ, tài liệu để chứng minh giữa anh/chị và con dâu có giao kết hợp đồng vay tiền bằng miệng.
Thứ hai, về việc anh (chị) hỏi hành vi của con dâu anh (chị) có phải là lừa đảo không
Tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:"Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Đối chiếu với trường hợp của anh/chị, con dâu anh/chị vay tiền của anh/chị để đặt cọc cho ngân hàng làm chi nhánh thu tiền điện là có thật, không có việc gian dối hoặc dùng tiền vay đó vào mục đích khác. Do đó, đây không thể coi là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bình luận