Vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trong Sở hữu trí tuệ

Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Sở hữu trí tuệ như: chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn, đăng ký sử dụng tên miền bất hợp pháp, sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của Điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện sử dụng nhãn hiệu...

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng” (khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004).

Bản chất pháp lý của hành vi cạnh tranh không lành mạnh chính là mọi hành vi trái với các chuẩn mực trung thực và lành mạnh trong quan hệ thương mại, gây thiệt hại chủ yếu đến doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Đặc điểm cơ bản của hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Một là, chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các chủ thể kinh doanh trên thương trường.

Hai là, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh.

Ba là, hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc của người tiêu dùng.

Vai trò của các quy định chống cạnh trạnh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ, sung năm 2009), quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh (CTKL) trong lĩnh vực SHTT có những vai trò cơ bản sau:

Một là, nhằm hỗ trợ cho việc bảo hộ có hiệu quả các đối tượng SHTT Đây cũng chính là khẳng định của ban soạn thảo luật SHTT khi quyết định đưa điều khoản CTKLM vào luật SHTT. Ban soạn thảo đã khẳng định: “Luật SHTT chỉ quy định hành vi CTKLM liên quan đến các đối tượng SHTT nhằm hỗ trợ cho việc bảo hộ có hiệu quả các đối tượng này chứ không bao trùm tất cả các loại hành vi CTKLM như quy định của Luật Cạnh tranh”.

Hai là, bổ sung cho các quy định của Luật cạnh tranh về lĩnh vực CTKLM liên quan đến SHTT.

Ta có thể thấy, các văn bản điều chỉnh hành vi CTKLM hiện nay có rất nhiều các văn bản luật khác nhau, tuy nhiên có thể nói, Luật Cạnh tranh năm 2004 là văn bản điều chỉnh một cách tổng quan và đầy đủ nhất đối với lĩnh vực cạnh tranh nói chung và các hành vi CTKLM nói riêng. Luật Cạnh tranh gồm 2 phần chính: Phần 1 điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh và phần 2 điều chỉnh ncác hành vi CTKLM. Luật Cạnh tranh đưa ra khái niệm về hành vi CTKLM (khoản 4 Điều 3) và liệt kê các hành vi bị coi là hành vi CTKLM (Điều 39). Tuy nhiên như đã nói, các hành vi này chỉ là những hành vi thường xuyên và phổ biến nhất mà thôi và các hành vi CTKLM luôn luôn thay đổi mà các nhà làm Luật không thể nào lường trước được nên bên cạnh 9 hành vi CTKLM được liệt kê, Luật Cạnh tranh cũng đưa ra một quy định mở để những người thi hành pháp luật có thể linh hoạt áp dụng (Điều 39, khoản 10). Và có thể nói, các quy định này là những quy định chung nhất về các hành vi CTKLM và trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau như SHCN, quảng cáo, thương mại. Tuy nhiên, bên cạnh Luật Cạnh tranh, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam còn nhiều văn bản pháp luật khác điều chỉnh các hành vi cạnh tranh nhưng trong từng lĩnh vực cụ thể tương ứng, ví dụ như: Luật Quảng cáo, Luật Thương mại, và Luật SHTT. Và các Luật này về nguyên tắc sẽ là Luật chuyên ngành còn Luật Cạnh tranh sẽ là luật chung trong lĩnh vực cạnh tranh. Như vậy ta thấy cùng với các Luật khác, mối tương quan giữa các quy định của Luật SHTT 2005 về các hành vi CTKLM liên quan đến SHCN là một lĩnh vực cụ thể của Luật Cạnh tranh. Vậy nên về mặt nguyên tắc khi áp dụng pháp luật để xử lý các hành vi CTKLM liên quan đến SHCN sẽ ưu tiên áp dụng “Luật chuyên ngành” trước, đó là Luật SHTT, và chỉ khi các quy định trong luật SHTT không thể giải quyết được tranh chấp đó thì các chủ thể sẽ sử dụng theo các quy định của Luật Cạnh tranh để giải quyết.

Các dạng hành vi cạnh trạnh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ

Một là, chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn.

Theo Luật Cạnh tranh năm 2004, chỉ dẫn gây nhầm lẫn được hiểu là chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh. Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn và kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn. Tại Điểm a và Điểm b khoản 1 Điều 130 Luật SHTT 2005 cũng quy định: “Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ; Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ”. Chỉ dẫn thương mại là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ, bao gồm: Nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá, nhãn hàng hoá. Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại bao gồm các hành vi gắn chỉ dẫn thương mại đó lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hoá có gắn chỉ dẫn thương mại đó.

Hai là, sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước thành viên là thành viên của Điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó.

Theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 130 Luật SHTT 2005 thì: “Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng”.

Hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước thành viên là thành viên của Điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó bị coi là hành vi CTKLM khi thoả mãn đầy đủ các điều kiện sau đây: (i) Nhãn hiệu được sử dụng được bảo hộ theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam cũng là thành viên; (ii) Điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu; (iii)Người sử dụng nhãn hiệu là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu ;(iv) Việc sử dụng không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng.

Ba là, đăng ký sử dụng tên miền bất hợp pháp:

Theo quy định tại Điểm d, khoản 1 Điều 130 Luật SHTT 2005 thì: “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng”.

Hành vi “ăn cắp” tên miền bị coi là một trong những hành vi CTKLM. Cụ thể, đó là hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý của mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Phạm Văn Hùng - Công ty Luật TNHH Everest

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].