Nhà đầu tư nước ngoài có thể được góp vốn hoặc mua lại cổ phần của một doanh nghiệp Việt Nam với tỷ lệ không bị giới hạn.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư năm 2014, nhà đầu tư nước ngoài có thể được phép góp vốn hoặc mua lại cổ phần của một công ty trong nước với tỷ lệ không bị giới hạn, ngoại trừ những trường hợp sau:
– Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong một công ty đại chúng với tỷ lệ được quy định theo pháp luật về chứng khoán;
– Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn hoặc mua cổ phần trong một công ty trong nước hoạt động trong các lĩnh vực được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành với tỷ lệ được quy định theo các luật chuyên ngành đó;
– Đối với các lĩnh vực đầu tư được quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tỷ lệ góp vốn và số cổ phần mua lại từ các công ty trong nước của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải tuân theo lộ trình phù hợp với quy định của điều ước quốc tế;
– Đối với công ty trong nước kinh doanh đa ngành nghề, hoạt động trong nhiều lĩnh vực bao gồm những ngành nghề, lĩnh vực có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn hoặc mua cổ phần từ những công ty này với tỷ lệ không vượt quá tỷ lệ được quy định trong những quy định áp dụng đối với ngành nghề, lĩnh vực có mức tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất; và
– Đối với các doanh nghiệp 100% vốn thuộc sở hữu Nhà nước chuyển đổi hình thức sở hữu, nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn hoặc mua cổ phần của những doanh nghiệp này với tỷ lệ được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhưng không được quá tỷ lệ được quy định trong trường hợp những doanh nghiệp này hoạt động trong những lĩnh vực được nêu trong những điểm nêu trên.
Như vậy, khi nhà đầu tư nước ngoài có ý định góp vốn, mua lại phần vốn góp hay cổ phần của một doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cần lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, xác định phạm vi kinh doanh của công ty
Cần kiểm tra xem lĩnh vực kinh doanh đó có chịu sự điều chỉnh của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hay không. Nếu có tồn tại một điều ước quốc tế như vậy thì phải tuân thủ quy định tại đó.
Ví dụ: Theo Biểu cam kết WTO thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị (không bao gồm sửa chữa, bảo dưỡng tàu biển, máy bay, hoặc các phương tiện và thiết bị vận tải khác) thì tỷ lệ sở hữu vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 49%. Sau 3 năm kể từ khi gia nhập, hạn chế này sẽ là 51%. 2 năm sau đó, cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Nếu lĩnh vực kinh doanh của công ty mà nhà đầu tư nước ngoài dự định đầu tư không thuộc biểu cam kết WTO thì phải xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không.
Thứ hai, xác định giới hạn tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật
Theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu ngành nghề đó, pháp luật có quy định tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài thì phải tuân theo quy định đó.
Nếu ngành nghề thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện chưa quy định cụ thể thì tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 49%.
Trường hợp hoạt động đa ngành nghề thì nhà đầu tư nước ngoài cần xác định có những ngành nghề nào có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong những ngành nghề đó thì chọn ra mức thấp nhất.
Thứ ba, quy định trong Điều lệ công ty
Nếu pháp luật liên quan không quy định cũng như ngành nghề kinh doanh không thuộc danh mục có điều kiện thì phải căn cứ vào điều lệ công ty có quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hay không. Nếu không, thì giới hạn cho nhà đầu tư ngoại là không hạn chế, có thể lên đến 100%.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật đầu tư mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận