Tư vấn xử lý tài sản của công ty khi phá sản, giải thể?

Đất của tổ chức kinh tế góp vốn có nguồn gốc do được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất hoặc được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

<?> Doanh nghiệp của chúng tôi là công ty cổ phần (chúng tôi là cổ đông lớn nắm 75% vốn điều lệ). Sau 05 năm thành lập, công ty không có lãi. Nay chúng tôi muốn giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp. Đề nghị Luật sư tư vấn, tài sản của doanh nghiệp được tính như thế nào? Đặc biệt là bất động sản tại trụ sở chính và các chi nhánh của công ty? Đề nghị luật sư tư vấn về những điểm giống và khác nhau khi xử lý tài sản của công ty khi phá sản, giải thể (Kim Anh - Hải Dương)
Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Thứ nhất, về vấn đề tiến hành giải thể hay phá sản đối với doanh nghiệp do hiện doanh nghiệp làm ăn không có lãi.


Chúng tôi xin giải thích để chị hiểu một cách đơn giản nhất trường hợp nào thì nên tiến hành giải thể/phá sản doanh nghiệp: Trước hết, giải thể và phá sản đều là hình thức chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp về cả mặt thực tiễn và pháp lý; doanh nghiệp sẽ bị thu hồi con dấu và giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp; và phải thực hiện các nghĩa vụ về tài sản, tức là xử lý tài sản và thực hiện thanh toán các khoản nợ.

Cơ sở pháp lý: Các quy định giải thể được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp 2014, còn các quy định về phá sản được ghi nhận trong Luật Phá sản 2014.

Các trường hợp giải thể doanh nghiệp (Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014): (i) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn; (ii) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; (iii) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; (iv) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Hoạt động giải thể bản chất chỉ là một thủ tục hành chính nhằm chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, dựa trên quyết định của (các) chủ sở hữu, quyết định của hội đồng thành viên hoặc đại hội đồng cổ đông. Hoạt động này là hoàn toàn là quyết định tự nguyện, tự do thỏa thuận của các chủ sở hữu doanh nghiệp căn cứ trên tình hình thực tế.

Các trường hợp phá sản doanh nghiệp (Điều 4 Luật Phá sản năm 2014): Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Hoạt động phá sản thực chất là một thủ tục tư pháp. Quyết định phá sản được ban hành bởi cơ quan Tòa án dựa trên yêu cầu mở thủ tục phá sản của một số chủ thể, có thể là chủ sở hữu doanh nghiệp, hoặc chủ nợ, người lao động, công đoàn cơ sở,... Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động sau khi thực hiện thủ tục phá sản, dữ liệu về doanh nghiệp vẫn được lưu trữ và không bị xóa khỏi hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia; doanh nghiệp đã phá sản có thể được phục hồi hoạt động kinh doanh nếu có một cá nhân/tổ chức khác mua lại doanh nghiệp.

Căn cứ vào các quy định trên, doanh nghiệp sẽ phải xác định tình trạng của doanh nghiệp để quyết định giải thể hay phá sản doanh nghiệp. Thủ tục giải thể hay phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014 (đối với thủ tục giải thể) và Luật Phá sản 2014 (đối với thủ tục phá sản).

Thứ hai, về việc xử lý tài sản của doanh nghiệp khi giải thể hoặc phá sản.


Trường hợp doanh nghiệp giải thể tài sản doanh nghiệp sẽ được xử lý theo quy định pháp luật về giải thể doanh nghiệp như sau:

Sau khi ra Quyết định giải thể doanh nghiệp, trong vòng 6 tháng, Doanh nghiệp phải chủ động thực hiện việc thanh toán các khoản nợ. Khi đã thanh toán hết các khoản nợ, giá trị tài sản của doanh nghiệp còn lại được chia cho các thành viên/đông theo tỷ lệ vốn góp/cổ phần.

Thứ tự ưu tiên thanh toán các khoản nợ: “(1) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; (2) Nợ thuế; (3) Các khoản nợ khác” (khoản 5 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Khi đã hoàn thành việc xử lý tài sản, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể doanh nghiệp, dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp sẽ được xóa trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia. Chủ sở hữu, nhà quản lý doanh nghiệp vẫn tiếp tục được tự do hoạt động kinh doanh, thành lập doanh nghiệp mới.

Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản thì tài sản của doanh nghiệp sẽ được xử lý theo pháp luật phá sản như sau:
Hoạt động xử lý tài sản của doanh nghiệp sẽ được thực hiện bởi doanh nghiệp có hành nghề quản lý, thanh lý toán tài sản, và tổ chức bán đấu giá.

Việc xử lý tài sản của doanh nghiệp được thực hiện dựa trên nguyên tắc:

Thứ tự ưu tiên thanh toán: “(1) Chi phí phá sản; (2) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; (3) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; (4) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ... Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo thứ tự trên thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ”( Điều 54 Luật Phá sản năm 2014).

Tài sản của doanh nghiệp sẽ được định giá và tiến hành bán tài sản (tài sản có thể được bán qua hình thức bán đấu giá hoặc không qua đấu giá)

Thứ ba, xử lý đối với tài sản là bất động sản trong quá trình giải thể/phá sản.


Xử lý tài sản là bất động sản của doanh nghiệp trong trường hợp phá sản:

Thẩm quyền: Đối với trường hợp bất động sản của doanh nghiệp nằm rải rác trong một xã, hay trong một huyện/quận, thì thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện. Đối với trường hợp tài sản của doanh nghiệp là bất động sản nằm rải rác ở nhiều xã, phường, huyện, thành phố thuộc tỉnh khác nhau, thì thẩm quyền giải quyết thuộc về tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Hình thức: Bán đấu giá theo Luật Bán đấu giá tài sản. Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.

Tài liệu về hình ảnh, thông tin niêm yết, hay xác nhận của UBND xã về việc niêm yết thông tin bán đấu giá bất động sản phải được lưu trữ trong hồ sơ đấu giá theo quy định tại Điều 35 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Ngoài việc niêm yết thông tin tại UBND xã tại địa phương nơi có bất động sản và tại tổ chức bán đấu giá, thì còn phải “thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc”.(Điều 57 Luật Đấu giá tài sản năm 2016).

Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền thỏa thuận với tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày định giá. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá. 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản thì phải tổ chức hoạt động bán đấu giá tài sản là bất động sản của doanh nghiệp.

Trường hợp tại địa phương có bất động sản không có tổ chức bán đấu giá hoặc có nhưng tổ chức bán đấu giá đó từ chối ký hợp đồng bán đấu giá đối với tài sản của doanh nghiệp thì quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý sẽ thực hiện bán đấu giá thanh lý tài sản trong thời hạn là 45 ngày kể từ ngày định giá hoặc từ ngày nhận được văn bản của tổ chức bán đấu giá từ chối bán đấu giá.

Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 19006198
Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Sau khi thực hiện các hoạt động niêm yết, tổ chức bán đấu giá sẽ lập hồ sơ bán đấu giá, tiếp nhận cá nhân/tổ chức mua hồ sơ đấu giá, đăng ký tham gia đấu giá, tổ chức bán đấu giá, ghi nhận kết quả đấu giá thành/không thành và thực hiện các thủ tục chuyển đổi liên quan đến sở hữu tài sản.

Việc xử lý tài sản là bất động sản của doanh nghiệp bằng hình thức bán đấu giá được thực hiện như trình tự, thủ tục đối với tài sản là động sản khác. Cũng cần lưu ý rằng, thủ tục đấu giá tài sản thanh lý của doanh nghiệp không phải thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất do cơ quan nhà nước tổ chức theo kế hoạch giao đất, cho thuê đất tại địa phương.

Xử lý đối với tài sản là bất động sản của doanh nghiệp trong trường hợp giải thể doanh nghiệp: Trước tiên, trường hợp tài sản của doanh nghiệp là bất động sản và đã được sử dụng làm tài sản đảm bảo thì phải thực hiện việc xử lý bất động sản theo quy định đối với việc xử lý tài sản đảm bảo trong pháp luật giao dịch bảo đảm.

Việc xử lý tài sản là bất động sản tùy thuộc vào khả năng và quyết định của chủ doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp/nhà quản lý doanh nghiệp có thể lựa chọn xử lý bất động sản bằng việc chuyển nhượng, bán đấu giá… nhằm quy đổi giá trị để thanh toán các khoản nợ, hoặc thực hiện nghĩa vụ cụ thể. Tùy vào các trường hợp đó mà viện dẫn và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.


Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ly Luật TNHH Everest

Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể đối với những vấn đề của quý Vị, quý Vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.