Tư vấn về việc rút vốn ra khỏi công ty TNHH hai thành viên trở lên

Công ty TNHH

Hỏi: Tôi tên T, Tháng 9 năm 2014 tôi có thành lập công ty TNHH về lĩnh vực chăn nuôi do tôi làm giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng thành viên và một thành viên tên A (do anh này làm cơ quan nhà nước đã vào Đảng nên không đứng đại diện pháp luật được) với vốn góp 200.000.000( hai trăm triệu) mỗi người 50%. Gần đây, tháng 11/2015 Trong quá trình hoạt động phải cần mua thêm đất đai tôi có đứng ký vay ngân hàng BIDV 2.200.000.000 ( hai tỷ hai trăm triệu) dưới danh nghĩa công ty với tài sản đảm bảo thể chấp vay là đất và nhà của anh A. Khi ngân hàng (NH) giải ngân thì NH chuyển thẳng tiền vào tài khoản của anh A. Khi nhận được tiền anh A chỉ bỏ ra một phần để mua đất số còn lại anh dùng vào việc cá nhân. Trong hoạt động chung tôi thấy anh không thành thật trong tiền bạc nên tôi muốn rút khỏi công ty. Hiện nay tôi đang lo lắng là khi tôi xin rút khỏi công ty thì khoản vay tôi đã ký với NH BIDV sẽ như thế nào? có rang buộc gì không? tôi có phải là người gánh nợ số tiền đó không? Trong trường hợp xin giải thể công ty thì như thế nào? vì cũng có người nói công ty mà thông báo giải thể thì tiền vay ngân hàng người nào ký người đó lãnh, còn tài sản đảm bảo thế chấp của anh A sẽ trả về anh A? cho tôi hỏi như vậy có đúng không? Bây giờ anh A đã xin nghĩ làm cơ quan Nhà Nước trong cuộc họp anh tuyên bố sẽ thay tôi làm giám đốc và yêu cầu tôi phải góp thêm vốn là 200.000.000( hai trăm triệu) thời gian góp từ 1/03 đến 30/03/2016 thì mới ở lại không anh sẽ tìm người khác. Vậy bây giờ giấy đăng ký kinh doanh và con dấu còn tên tôi thì phải làm sao? tôi không làm nữa thì dấu và giấy đăng ký giao lại cho anh A hay nộp lại Sở Kế hoạch đầu tư? Tôi đang không biết phải làm như thế nào là đúng để không vi phạm pháp luật. (Minh Trang - Bắc Ninh)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Hà Thị Phương - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, về việc rút vốn khỏi công ty

Trường hợp 1: Thay đổi vốn điều lệ

Theo quy định tại điều 68 Luật doanh nghiệp 2014 thì nếu bác rút vốn khỏi công ty thì công ty này có thể thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ, cụ thể:

“Điều 68. Thay đổi vốn điều lệ

3. Công ty có thể giảm vốn điều lệ bằng các hình thức sau đây:

a) Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên

b) Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 52 của Luật này;

c) Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 48 của Luật này.”

Tuy nhiên, theo thông tin bác cung cấp thì công ty được thành lập tháng 9/2014, tính thời điểm này thì không thể thực hiện giảm vốn theo hình thức hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 68.

Bác có thể yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp mua theo quy định tại điều 52 Luật doanh nghiệp 2014:

“1. Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:

a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;

b) Tổ chức lại công ty;

c) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.”

Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết quy định tại khoản này.

Căn cứ quy định trên thì bác cũng không thể yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình được.

Như vậy, phương án thay đổi vốn điều lệ công ty không thể áp dụng cho trường hợp của bác.

Trường hợp 2: Chuyển nhượng phần vốn góp

“Điều 53. Chuyển nhượng phần vốn góp

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 52, khoản 5 và khoản 6 Điều 54 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:

a) Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;

b) Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.

2. Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 49 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.

3. Trường hợp chuyển nhượng hoặc thay đổi phần vốn góp của các thành viên dẫn đến chỉ còn một thành viên trong công ty, công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và đồng thời thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng.”

Như vậy theo quy định thì bác có thể chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho thành viên còn lại hoặc cho người khác theo quy định trên.

Nếu chuyển nhượng phần vốn góp cho thành viên còn lại thì công ty phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHHMTV và thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định.

Nếu bác chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác thì công ty phải thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh (thay đổi người đại diện theo pháp luật) theo quy định.

Thứ hai, về hợp đồng vay đã ký với ngân hàng do chủ thể của hợp đồng vay là công ty nên bác sẽ không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào kể từ thời điểm hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng vốn góp và thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định. Tài sản thế chấp căn nhà là tài sản của anh A và đó là phần vốn góp tăng thêm của người này.

Thứ ba, về con dấu mang tên bác thì theo chúng tôi hiểu đây là dấu chức danh. Con dấu này bác giao lại cho công ty.

Thứ tư, về vấn đề giải thể công ty

Nếu công ty giải thể thì tài sản của công ty sẽ được xử lý theo thứ tự:

- Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã kýkết;

- Nợ thuế;

- Các khoản nợ khác.

- Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

Như vậy thì khoản nợ của công ty với ngân hàng sẽ sử dụng tài sản của công ty để thanh toán. Tuy nhiên, nếu tài sản của công ty không đủ để thanh toán nợ với ngân hàng thì công ty bác sẽ không thể giải thể được.

Do đó, trường hợp này, bác nên chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho người mới (do anh A tìm) và công ty sẽ làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật. Việc rút vốn khỏi công ty theo trường hợp này sẽ chấm dứt quyền và nghĩa vụ của bác thuận lợi và đơn giản nhất.

Khuyến nghị:

1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
2. Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo
3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.Khuyến nghị: