Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình...
Hỏi: Tôi có một số thắc mắc xin được tư vấn như sau: Anh trai tôi đã kết hôn được hơn 8 năm và đã có 2 con, anh tôi đang bị bệnh tâm thần, từ khi sinh con chị dâu tôi không quan tâm gì đến anh tôi, còn thường xuyên mâu thuẫn với bố mẹ chồng. Anh trai tôi không thể viết được đơn ly hôn, vậy giờ tôi phải làm thế nào để anh trai tôi có thể ly hôn được với chị dâu. Đề nghị Luật sư tư vấn. (Mai Hương - Vĩnh Phúc)
Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình Công ty Luật Everest trả lời:
-Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ Luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự
Nội dung phân tích
Theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:
"2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ."
Một người được coi là mất năng lực hành vi dân sự khi thuộc quy định tại Điều 22 BLDS 2005 như sau:
Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
"1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định."
Như vậy, trong trường hợp người bị mất năng lực hành vi dân sự là nạn nhân của bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho họ.
Trường hợp họ chỉ mất năng lực hành vi dân sự mà không phải nạn nhân của bạo lực gia đình thì việc ly hôn được giải quyết theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự như sau:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 73 BLTTDS quy định người mất năng lực hành vi dân sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng: "Người đại diện theo uỷ quyền được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự; đối với việc ly hôn, đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng."
Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP quy định về quyền khởi kiện đối với người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
"3. Đối với cá nhân là người chưa thành niên (trừ trường hợp được hướng dẫn tại khoản 2 Điều này), người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật) có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ."
Người đại diện theo pháp luật của người bị mất năng lực hành vi dân sự là người giám hộ theo quy định tại Điều 141 BLDS:
Điều 141. Người đại diện theo pháp luật
"Người đại diện theo pháp luật bao gồm:2. Người giám hộ đối với người được giám hộ;"
Như vậy, người mất năng lực hành vi dân sự có thể thông qua người giám hộ của mình để thực hiện việc ly hôn. Để xác định được quyền khởi kiện trong trường hợp này thì việc đầu tiên là phải yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.
Khoản 2 Điều 35 BLTTDS sửa đổi, bổ sung 2011 quy định về thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ của Tòa án trong trường hợp này là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự đang cư trú: "a) Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; "
Về thủ tục tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự:
* Nộp hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự
Hồ sơ gồm:
- Đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự
-Kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần
- Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân của người yêu cầu
-Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự
* Chuẩn bị và xét đơn yêu cầu
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, hết thời hạn này Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Theo đề nghị của đương sự, Toà án có thể trưng cầu giám định sức khoẻ, bệnh tật của người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này, khi nhận được kết luận giám định Toà án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.
Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự
Sau khi đã có quyết định tuyên một người mất năng lực hành vi dân sự thì cần xác lập người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 63 BLDS:
Điều 63. Cử người giám hộ
"Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật này thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ."
Điều 62 BLDS quy định:
Điều 62. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
"1. Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ."
Vậy, nếu tuyên anh trai bạn là người mất năng lực hành vi dân sự thì chị dâu bạn sẽ là người giám hộ được nhiên của anh trai bạn. Nên vấn đề ở đây là bạn phải chứng minh được chị dâu bạn không đủ điều kiện để giám hộ cho anh trai bạn căn cứ vào các quy định tại Điều 60 BLDS:
Điều 60. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
"1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ."
Bạn cần chuẩn bị những tài liệu hoặc chứng cứ chứng minh chị dâu bạn không đủ điều kiện để thực hiện việc giám hộ cho anh trai bạn, sau đó thực hiện thủ tục cứ người giám hộ cho anh trai bạn theo quy định tại Điều 63, 64 BLDS:
Điều 64. Thủ tục cử người giám hộ
"1. Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.
2. Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ."
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận