Vì bố mẹ bạn mất mà không để lại di chúc nên phần di sản thừa kế sẽ được chia theo Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 về thừa kế
Hỏi: Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, hiện nay tôi lập nghiệp ở Tp Hồ Chí Minh. Tôi xin được hỏi 2 sự việc sau:1. Bố mẹ tôi có đất canh tác ở xã Phụng Công hiện nay được nhận hưởng chế độ chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của phần diện tích đất nông nghiệp, đất canh tác 5% nhưng bố mẹ tôi đều đã mất và không ghi phần này trong di chúc. Tôi chỉ có duy nhất 1 anh trai là Đỗ Văn S.đang sống ở xã nhưng anh em tôi bất hòa không nói chuyện với nhau. Tôi có làm đơn gửi UBND huyện Văn Giang và UBND xã Phụng Công xin được thông tin về quyền lợi chế độ chính sách trên thì anh C.(SĐT098 393510x)ở VP UBND huyện gọi điện thoại cho tôi nói rằng việc này do UBND xã quản lý và hướng dẫn tôi gọi điện thoại gặp anh H.chủ tịch xã (SĐT091 522511x)nhưng anh H.lại nói với tôi rằng xã không có trách nhiệm trả lời mà công dân tự tìm hiểu trong gia đình. Vậy sự việc này phải hiểu như thế nào là đúng quy định của pháp luật, nơi nào có trách nhiệm trả lời thông tin trên và xin vui lòng hướng dẫn tôi phải tiến hành làm các bước cụ thể như thế nào? 2. Tôi có mảnh đất ở xã Phung Công có Giấy Chứng Nhận Quyền Sở Hữu Đất ở do UBND huyện Văn Giang cấp, trên đất có căn nhà do mẹ tôi xây dựng trước khi mất năm 2003. Tôi lập nghiệp ở xa nên từ sau khi mẹ tôi mất cho đến nay anh ruột tôi là Đỗ Văn S.(SĐT097646276x)ngụ tại xã Phụng Công tự ý chiếm hữu, sử dụng, khai thác nhà đất mà không được sự đồng ý của tôi, tôi đã gặp nhiều lần để đòi trả lại nhưng chưa được đáp ứng . Vậy xin hướng dẫn cho tôi phải làm gì, gặp cơ quan nào, biện pháp nào để đòi lại quyền lợi nhà đất của mình? (Thành Trung - Nam Định)
Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
1- Về quyền thừa kế
Bản chất của tranh chấp giữa bạn và anh trai ở trường hợp này là về di sản do bố mẹ bạn để lại.
Vì bố mẹ bạn mất mà không để lại di chúc nên phần di sản thừa kế sẽ được chia theo Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 về thừa kế như sau:
"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".
Tuy nhiên, cần lưu ý về thời hiệu:
Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 về thời hiệu khởi kiện về thừa kế:
"Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".
Thông thường, khi hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế thì bạn và anh trai có thể yêu cầu Tòa án chia tài sản chung. Tuy nhiên, vì bạn và anh bạn đang bất hòa nên khó có thể theo hướng giải quyết này được. Hơn nữa, anh bạn lại đang chiếm hữu, sử dụng ổn định phần di sản đó, điều này rất bất lợi cho bạn.
Tốt hơn hết, bạn nên gặp anh trai và thỏa thuận về việc chia di sản.
2- Về đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bạn tại huyện Văn Giang.
Đây là mảnh đất bạn sở hữu hợp pháp, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bạn có các quyền của người sử dụng đất theo Điều 166 Luật Đất đai 2013:
"1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai".
Như vậy, trước tiên bạn có quyền tự yêu cầu anh trai trả lại đất cho bạn.Nếu anh trai bạn cố tình không chịu trả thì bạn có thể làm đơn khởi kiện đòi lại quyền sử dụng đất hợp pháp của bản thân do người khác chiếm hữu, sử dụng trái phép. Nếu việc hòa giải ở UBND xã không thành thì bạn có quyền làm đơn gửi lên Tòa án nhân dân cấp huyện để được giải quyết tranh chấp.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận