Tư vấn về quyền thừa kế đất khi hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế

Trường hợp thời hiệu khởi kiện để chia di sản thừa kế đã hết, Tòa án không thụ lý vụ án.

Hỏi: Bố tôi là liệt sỹ chống Mỹ đã hy sinh năm 1968. Mẹ tôi bị tai nạn giao thông chết tại chỗ vào năm 1975. Bố mẹ tôi mất sớm nên không có di chúc để lại. Tài sản của bố mẹ tôi để lại cho anh em tôi là hai mảnh đất. Mỗi anh em sinh sống trên một mảnh. Từ khi mẹ tôi mất anh em tôi vẫn hòa thuận không có biểu hiện gì về tranh chấp và cũng không một lần nào anh tôi nhắc đến đất của bố mẹ. Đến năm 2012 xã có chỉ thị ai chưa có sổ đỏ thì ra khai, lúc đó tôi mới biết anh tôi làm sổ đỏ rồi, anh ấy làm lúc nào tôi cũng không hay, hai mảnh đất lại cùng chung một sổ đỏ đứng tên anh tôi hết. Cho đến thời điểm hiện nay đã qua bao nhiêu năm rồi mà anh ấy không chịu tách sổ đỏ cho tôi, cũng có thể là anh ấy có âm mưu chiếm đoạt tất cả. Tôi xin hỏi luật sư là bố mẹ mất không có di chúc mà anh trai tôi lại làm được sổ đất ở chỉ đứng tên anh ấy mà không có sự đồng ý tôi vậy có được coi là phạm pháp không? (Vân Phạm - Hải Phòng)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Luật gia Nguyễn Văn Nam - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, bạn muốn đòi lại phần đất xứng đáng thuộc về bạn.

Căn cứ vào Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế:

“Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Do đó, với thông tin bạn cung cấp, bạn đã quá thời hiệu khởi kiện chia tài sản thừa kế do bố mẹ bạn để lại cho hai anh em bạn. Nên nếu bạn nộp đơn khởi kiện để kiện đòi lại tài sản từ anh bạn, Tòa án sẽ không thụ lý.

Thứ hai, về việc anh bạn đứng tên trên sổ đỏ có hợp pháp hay không.

Sau khi bố mẹ bạn mất, bạn và anh bạn tiếp tục sinh sống ổn định trên 2 mảnh đất mà bố mẹ bạn để lại, không có tranh chấp chia di sản nên có thể coi 2 mảnh đất này là tài sản thừa kế chung của hai anh em bạn. Vì thế, khi anh bạn thực hiện thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận quyển sử dụng đất thì phải có giấy tờ hợp pháp về thừa kế (ví dụ như: di chúc, văn bản thỏa thuận giữa những người cùng thừa kế, văn bản từ chối hưởng di sản thừa kế,…) để chứng minh anh bạn có quyền thừa kế đối với toàn bộ hai mảnh đất trên, căn cứ điểm c Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đại 2013. Do đó, việc anh bạn đi thực hiện việc sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với hai mảnh đất mà bố mẹ bạn để lại nếu không có các giấy tờ hợp pháp về thừa kế là trái pháp luật. Vì vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hai mảnh đất trên đứng tên anh bạn sẽ không có hiệu lực pháp luật.

Phương án chúng tôi đưa ra cho bạn là bạn nên thỏa thuận với anh trai bạn về việc chia di sản thừa kế (hai mảnh đất) để giải quyết vấn đề này.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.