-->

Tư vấn pháp luật làm lại giấy khai sinh

Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh,...

Hỏi: Em sinh ra được ba mẹ làm giấy khai sinh với tên là Hoàng Thị Ngọc Huyền và ngày sinh âm lịch là 29/2/1990. (nhưng ngày sinh thật sự lâm lich là 30/2/1990 và dương lịch là 26/31990 ) Một lần làm lại sổ hộ khẩu thì bị sót tên đệm là chữ "ngọc" nên ba em đã sửa lại giấy khai sinh và học bạ lại cho giống hộ khẩu Nay em đã làm và khi nhập thông tin của em thì công ty nói không thể nhập ngày 29/2/1990. Nay em muốn làm lại giấy khai sinh lấy lại ngày dương 26/3/1990 để nhập được ngày sinh và em cũng mong muốn được thêm lại tên lót để có lại tên Hoàng Thị Ngọc Huyền như lúc ba mẹ đặt lúc sinh ra. Ba em đã lên xã chứng giấy tờ và xã đã xác nhận cho em làm lại ngày sinh là 26/3/1990, còn thêm tên lót thì họ không quyết định được. Nhưng khi ra huyện thì họ không cho em thêm tên đệm và ngày sinh cũng không cho em lấy ngày 26/31990 mà chỉ cho em lấy ngày 28/2/1990. Hiện tại em không có giấy chứng sinh do em được sinh ở nhà và không còn giữ giấy khai sinh có tên Hoàng Thị Ngọc Huyền. Đề nghị Luật sư tư vấn, em có thể làm lại giấy khai sinh với ngày 26/31990 và thêm tên đệm không? (Hoàng Huyền - Điện Biên)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật hành chính Công ty Luật TNHH Everest trả lời:

1. Đối với ngày tháng sinh

Khoản 2 điều 5 Nghị định 158/2005/NĐ-CP có quy định

“Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán, quan hệ cha mẹ, con, phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó”.

Như vậy, với mỗi cá nhân giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc và mọi giấy tờ hồ sơ của cá nhân phải phù hợp với giấy khai sinh của cá nhân đó.

Tại Điều 36 Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại giới tính, xác định lại dân tộc, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch trong đó có nội dung:

“Cải chính những nội dung đã được đăng ký trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng có sai sót trong khi đăng ký”

Theo đó, tại điểm g khoản 5 Mục II Thông tư 01/2008/TT-BTP quy định như sau:

“Việc cải chính nội dung trong bản chính Giấy khai sinh, đặc biệt là cải chính ngày, tháng, năm sinh, chỉ được giải quyết đối với những trường hợp có đủ cơ sở để xác định rằng khi đăng ký khai sinh có sự sai sót do ghi chép của cán bộ Tư pháp hộ tịch hoặc do đương sự khai báo nhầm lẫn. Trường hợp yêu cầu cải chính nội dung trong bản chính Giấy khai sinh do đương sự cố tình sửa chữa sai sự thật đã đăng ký trước đây để hợp thức hóa hồ sơ, giấy tờ cá nhân hiện tại, thì không giải quyết”.

Đối với trường hợp của bạn, có thể do người nhà khai báo nhầm lẫn khi đi đăng ký khai sinh do vậy, bạn sẽ được cải chính ngày tháng năm sinh trong bản chính Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu cho phù hợp. Cơ quan có thẩm quyền cải chính ngày tháng năm sinh cho bạn là:

“Ủy ban nhân dân cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi”.

2. Đối với thêm tên đệm, nếu bạn đảm bảo được các quy định theo điều 27 bộ luật dân sự thì bạn được quyền thêm tên đệm.

Điều 27. Quyền thay đổi họ, tên

"1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

2. Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

3. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ."

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hành chính mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.