Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, khi thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam
Hỏi: Em và 1 người bạn muốn mở công ty kinh doanh bán buôn thương mại các thiết bị nâng hạ dưới hình thức Công ty TNHH 2 thành viên. - Các ngành nghề em đăng ký không nằm trong các trường hợp pháp luật quy định phải có vốn pháp định. Em được phép đăng ký số vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu ? Vì khả năng tài chính của em thấp, nên em dự định đăng ký vốn điều lệ trong khoảng 50 triệu - đến 100 triệu, nếu em đăng ký như vậy có được không? Khi đăng ký kinh doanh, em được phép đăng ký tối đa bao nhiêu ngành nghề, và đăng ký nhiều ngành nghề có ảnh hưởng gì không ạ? Nếu em là người đại điện pháp luật của công ty/ giám đốc thì em có được phép làm luôn các công việc của kế toán không ạ? Đề nghị Luật sư tư vấn. (Nguyễn Hằng - Hà Nam)
Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Theo quy định tại khoản 29 Điều 5 Luật doanh nghiệp 2014 thì vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể của pháp luật về mức tối thiểu của vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp là bao nhiêu mà việc xác định vốn tối thiểu hiện nay căn cứ vào các ngành nghề kinh doanh yêu cầu phải đáp ứng đủ số vốn pháp định. Trường hợp của bạn, ngành nghề bạn kinh doanh không thuộc ngành nghề đòi hỏi vốn pháp định vì thế sẽ không có mức vốn điều lệ tối thiểu trong trường hợp này. Như vậy, bạn hoàn toàn có thể đăng kí vốn điều lệ trong khoản 50 đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu bạn đăng kí vốn điều lệ quá thấp thì sẽ không thể hiện được tiềm lực tài chính của công ty, nhưng nếu bạn đăng kí vốn điều lệ quá cao mà không có khả năng góp hoặc góp không đúng hạn theo quy định của pháp luật thì bạn có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Việc đăng kí ngành nghề kinh doanh được quy định tại Điều 7 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Theo quy định tại nghị định này thì pháp luật Việt Nam không có quy định về việc doanh nghiệp được đăng kí tối đa bao nhiêu ngành nghề. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động kinh doanh với ngành nghề đã đăng kí trong Giấy đăng kí kinh doanh. Cụ thể tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 78/2015/NĐ-CP có quy định:
“Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, khi thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.”
Như vậy, việc đăng kí kinh doanh sẽ tùy thuộc vào sự lựa chọn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc bạn muốn đăng kí số lượng ngành nghề là bao nhiêu thì cần phải xem xét trên tiềm lực, khả năng của công ty. Nếu bạn đăng ký nhiều ngành nghề mà thực tế bạn thực hiện kinh doanh một số ngành nghề thì có thể đối tác của bạn sẽ đánh giá về lĩnh vực kinh doanh nào là chuyên sâu và có thể ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của bên bạn.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật doanh nghiệp 2014 thì: “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình".
Trong Luật doanh nghiệp 2014 không có quy định nào nghiêm cấm về việc người đại diện pháp luật của công ty không được kiêm làm công việc của kế toán. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Luật kế toán 2003 thì một trong các hành vi nghiêm cấm đó là: “Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ hoặc mua, bán tài sản, trừ doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể.” Căn cứ theo quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 thì Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty".
Như vậy, theo quy định này thì trong trường hợp bạn làm Giám đốc công ty vì bạn là người có trách nhiệm điều hành, quản lý công ty vì thế bạn không được kiêm làm kế toán của công ty.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận