Giáo dục, đào tạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, công ty của bạn muốn hoạt động trong lĩnh vực này phải đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật qui định.
Hỏi: Tôi đang chuẩn bị mở công ty giáo dục. Vì đã mượn được địa điểm làm văn phòng đại diện. Nên tôi không thuê địa điểm làm văn phòng. Nhưng được biết khi đăng kí kinh doanh phải có địa điểm đặt trụ sở. Đề nghị Luật sư tư vấn, tôi có thể thuê nhà và hợp đồng thuê nhà cần đáp ứng yêu cầu gì để đăng kí kinh doanh? Nếu công ty làm dịch vụ này thì có làm trọn gói các việc như con dấu, đăng báo, biển hiệu không? (Thanh Trà - Hải Phòng)
Luật gia Trần Ngọc Giang - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Về đăng ký doanh nghiệp
Giáo dục, đào tạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, công ty của bạn muốn hoạt động trong lĩnh vực này phải đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật qui định. Tuy nhiên, do bạn chưa nắm rõ được Công ty bạn muốn kinh doanh trong hoạt động giáo dục cụ thể nào (thành lập trường tư thục, thành lập trung tâm đào tạo ngắn hạn, thành lập trung tâm đào tạo trực thuộc công ty….) nên chúng tôi không đưa ra được các điều kiện cụ thể cho bạn. Nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu kỹ hơn, xin mời bạn liên hệ lại để chúng tôi giải đáp cụ thể để bạn có thể thực hiện được mong muốn của mình.
Về thủ tục thành lập Công ty
I. Đối với Công ty 100% vốn trong nước (thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh)
Hồ sơ thành lập Công ty gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Dự thảo Điều lệ công ty: Dự thảo điều lệ công ty phải có đầy đủ chữ ký của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của người đại diện theo pháp luật, của các thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của người đại diện theo pháp luật, của các cổ đông sáng lập hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần. Các thành viên, cổ đông sáng lập phải cùng nhau chịu trách nhiệm về sự phù hợp pháp luật của điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần lập theo mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định. Kèm theo danh sách thành viên hoặc danh sách cổ đông sáng lập phải có:
+ Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 24 Nghị định số 43/2010/NĐ- CP đối với trường hợp thành viên sáng lập hoặc cổ đông sáng lập là cá nhân;
+ Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 24 Nghị định số 43/2010/NĐ- CP của người đại diện theo ủy quyền và quyết định ủy quyền tương ứng đối với trường hợp thành viên sáng lập hoặc cổ đông sáng lập là pháp nhân.
- Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định;
- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của một hoặc một số cá nhân đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần nếu công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.
II. Đối với việc thành lập Doanh nghiệp tư nhân
Hồ sơ thành lập Công ty gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp của chủ doanh nghiệp tư nhân quy định tại Điều 24 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP.
- Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định;
- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.
Lưu ý: Các giấy tờ chứng thực cá nhân trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
1. Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với công dân Việt Nam.
2. Một trong số các giấy tờ còn hiệu lực đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài sau đây: a) Hộ chiếu Việt Nam; b) Hộ chiếu nước ngoài (hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài) và một trong các giấy tờ chứng minh người gốc Việt Nam ở nước ngoài.
3. Giấy đăng ký tạm trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
4. Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam.
III. Quy định về Trụ sở chính Công ty
- Theo Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: "Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp; phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên phố (ngõ phố) hoặc tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có)". (VD:Chung cư có chức năng để ở thì không được phép đặt trụ sở công ty để thực hiện chức năng kinh doanh ở đó, tuy nhiên ở một số trung tâm thương mại/chung cư thì chủ đầu tư có xin chức năng kinh doanh cho những khu xác định và cụ thể như lầu trệt, tầng 1, tầng 2… Còn đối với những địa chỉ khác có xác định địa chỉ rõ ràng thì các bạn hoàn toàn có thể đặt địa chỉ trụ sở để kinh doanh).
Nếu nơi đặt trụ sở chưa có số nhà hoặc chưa có tên đường thì nộp kèm theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, phải có xác nhận của địa phương là địa chỉ đó chưa có số nhà, tên đường. Doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Ngành nghề kinh doanh trong việc đặt trụ sở chính:
+ Doanh nghiệp không nhất thiết phải kinh doanh hết những ngành nghề đã đăng ký với Cơ Quan chức năng.
+ Nếu kinh doanh nhóm ngành sản xuất, chế biến, nuôi trồng…doanh nghiệp không được đặt trụ sở chính tại khu dân cư, trung tâm thành phố mà chỉ đặt ở các vùng lân cận, xa khu dân cư. Trường hợp doanh nghiệp muốn đặt trụ sở chính trong thành phố, thì doanh nghiệp chỉ được buôn bán, trao đổi, trưng bày sản phẩm, và doanh nghiệp phải thành lập chi nhánh/địa điểm kinh doanh tại các vùng lân cận để thực hiện công việc chế biến, sản xuất và nuôi trồng…của doanh nghiệp.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận