Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước...
Hỏi: Em cháu lái xe tải dưới 3 tấn, đi trên làn đường giành riêng cho ô tô. Khi đến khúc quẹo, em cháu lái xe qua làn đường xe máy. Em cháu đã quan sát kỹ và đi từ từ, khi qua gần hết đường thì đột nhiên 1 chiếc mô tô 500pp lao tới, vượt qua đầu xe tải và chạm vào đèn xing nhang. Do đoạn đường còn lại nhỏ nên xe mô tô đang đi tốc độ cao xoẹt qua đầu xe tải văng lên lề, người văng ra đụng vào bồn chứa đá của nhà dân bên đường. Hậu quả là thanh niên đó bị dập sống mũi, đầu thì bị vỡ trán, bác sĩ nói trong não có tụ máu, nhưng não không ảnh hưởng, mấy ngày vừa qua thấy người đó cũng tiến triển tốt, tự nhiên bữa nay nghe người nhà báo lại, anh ta tiến triển xấu đi. Cho cháu hỏi là ai đúng, ai sai trong chuyện này? Gia đình cháu không biết làm sao nữa. Nếu lỡ chuyện xấu xảy ra thì em cháu có bị ở tù không? (An Khang - Cà Mau)
Luật gia Bùi Thị Phượng- Tổ tư vấn pháp luậtgiao thôngCông ty Luật TNHH Everest trả lời:
Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì hành vi của em bạn tức người lái xe đã vi phạm quy tắc cơ bản khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là đi sai làn đường. Vì vậy, trong trường hợp này em bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và giao thông đường sắt theo Điều 6 k2 điểm a, k4 điểm g NĐ 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 cụ thể:
“2. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước”.
Tuy nhiên, cũng theo thông tin bạn cung cấp thì việc đi sai làn của em bạn đã dẫn đến hậu quả là thanh niên đó bị dập sống mũi, đầu thì bị vỡ trán, bác sĩ nói trong não có tụ máu, nhưng não không ảnh hưởng, mấy ngày vừa qua thấy người đó cũng tiến triển tốt, tự nhiên bữa nay nghe người nhà báo lại, anh ta tiến triển xấu đi. Theo Điều 604 BLDS năm 2005 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
"1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường".
Mục 1 nghị quyết 03/2006/NQ - HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì trách nhiệm bổi thường thiệt hại phát sinh khi đủ 4 yếu tố: phải có thiệt hại xảy ra (thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần); phải có hành vi trái pháp luật; phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; phải có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây thiệt hại.
Trong trường hợp của bạn: người gây tai nạn là em bạn đã đi sai làn đường quy định - đây là hành vi trái pháp luật và đã gây thiệt hại cho một thanh niên. Cho dù có cố ý hay vô ý thì việc chuyển hướng đi sai làn của em bạn là trái pháp luật và đã dẫn đến hậu quả xảy ra cho người bị thiệt hại. Do đó, em bạn sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự.
Ngoài ra, em bạn đi sai làn đường và gây tai nạn nên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Điều 202 BLHS quy định như sau:
"1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rươu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".
Như vậy, theo như thông tin mà bạn đưa ra nếu sau khi xem xét, thu thập chứng cứ nếu Cơ quan điều tra xét thấy có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người thanh niên kia thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với em bạn theo đúng quy định của pháp luật.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật giao thông mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận