Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền (Điều 585 Bộ Luật Dân sự).
Hỏi: Ngày 11/10/2011, ông A và bà B có ký kết hợp đồng ủy quyền cho ông C về việc thế chấp quyền sử dụng đất thửa số 21 xã Đằng lâm, quận Hải An, thành phố Hải Phòng để vay vốn ngân hàng và các tổ chức cá nhân khác. Hợp đồng này đã được văn phòng công chứng công chứng. Được sự ủy quyền này của ông A và bà B, ông C tiến hành vay 600.000.000 đồng của ông D và bà E theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất ngày 13/10/2011. Ngày 19/1/2012, ông C và ông D, bà E ký hợp đồng bổ sung hợp đồng thế chấp, đề nghị gia hạn thời gian trả nợ thêm 2 tháng kể từ ngày 19/1/2012. Đến 10/5/2012, do ông A, bà B không thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đã hết thời hạn trả nợ, ông D, bà E ký kết thỏa thuận với ông C về việc tiếp quản việc sử dụng mảnh đất đã thế chấp để giải quyết nợ. Nhưng khi tiến hành tiếp quản việc sử dụng mảnh đất, ông D bà E phát hiện đây không phải là mảnh đất đã đề cập đến trong hợp đồng ủy quyền. Xin nhờ Luật sư tư vấn giúp tôigiải quyết tranh chấp hợp đồng ủy quyền trên? (Vũ Hải Nam - Hà Nội).
Luật gia Vương Tùng Nam - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:
Trước hết, đối với chữ ký của bà B trong hợp đồng ủy quyền và hồ sơ sơ bộ về thanh lý hợp đồng vay tiền có bảo đảm bằng tài sản. Về phía kết luận của cơ quan điều tra, tổ xác minh “bằng mắt thường” cho rằng dấu vân tay tại hợp đồng và dấu vân tay bà B là giống nhau, dấu vân tay của bà E cung cấp và dấu vân tay trong hợp đồng là hoàn toàn khác nhau. Về phía ông D, ông có đoạn ghi âm về việc bà E xác định đã ký thay bà B vào hợp đồng ủy quyền và bà B đang nằm viện K điều trị bệnh ung thư.
Từ những chứng cứ đưa ra, có thể phân tích như sau:
Về chữ ký, cần đối chiếu chữ ký trong hợp đồng ủy quyền của bà B và mẫu chữ ký trong hồ sơ sơ bộ về thanh lý hợp đồng cùng với mẫu chữ ký trong thẻ căn cước để xác định ai là người đã ký tên trong hợp đồng ủy quyền và văn bản thanh lý hợp đồng vay tiền. Yêu cầu cơ quan điều tra có kết quả chính thức cho vấn đề này, ghi nhận rõ quá trình xác minh như thế nào, bằng biện pháp gì, bởi thực tế, bằng mắt thường không thể xác định chữ ký là của cùng một người hay không. Đối với đoạn ghi âm của ông D về việc bà E nhận đã ký tên thay cho bà B trong hợp đồng ủy quyền, cần xác minh đoạn ghi âm này có chính xác là giọng của bà E hay không hay chỉ là căn cứ giả mà ông D đưa ra. Đối với việc bà B đang nằm điều trị ung thư tại bệnh viện K, cần xác định thời điểm chính xác bà B nằm viện là khoảng thời gian nào, đối chiếu với thời gian tiến hành xác lập hợp đồng ủy quyền tại văn phòng công chứng Trung Tâm. Nếu khoảng thời gian này, bà B đang điều trị tại bệnh viện thì không thể có mặt để tiến hành ký kết hợp đồng ủy quyền, và chữ ký trên giấy tờ là chữ ký giả tạo hoặc, chữ ký và dấu tay thực chất là của bà B nhưng đây là chữ ký khống và bà B thực chất không có mặt để giao kết hợp đồng này. Khi làm rõ được những vấn đề trên mới có thể xác định được liệu bà B có tham gia giao kết hợp đồng ủy quyền không? Trong trường hợp đây không phải là chữ ký của bà B, hợp đồng này sẽ được xác định là hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối theo Điều 132 BLDS, hợp đồng vay tài sản với ông D cũng bị vô hiệu theo quy định khoản 2 Điều 138 BLDS.
Về xác minh thửa đất 42, 43 dùng để thế chấp vay tiền ông Tú, bà Hương
Ông D khai mảnh đất mà ông C dẫn đi xem là mảnh đất giả không phải là mảnh đất như trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lời khai của ông D chưa rõ ràng: mảnh đất ông D xem đúng với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã có chủ khác hay mảnh đất này không đúng với mảnh đất được được xác định trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu mảnh đất này đúng với GCNQSDĐ nhưng không thuộc quyền sở hữu của ông A, bà B thì quá trình công chứng hợp đồng ủy quyền đã có sự sai sót. Bởi theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật công chứng: “Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe doạ, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc có sự nghi ngờ đối tượng của hợp đồng, giao dịch là không có thật thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng”. Như vậy, công chứng viên đã không xác minh chính xác nguồn gốc của mảnh đất mà đã tiến hành công chứng hợp đồng. Trong trường hợp đây là mảnh đất không đúng với GCNQSDĐ thì đây là sự nhầm lẫn của ông D, ông D cần đối chiếu và xem chính xác mảnh đất được đưa ra thế chấp số 42, 43 để xem thực chất thửa đất này có tồn tại không, nếu có thì tiến hành tiếp quản việc sử dụng đất theo biên bản thỏa thuận ngày 10/5/2012.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hợp đồng mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận