Trình tự, thủ tục khi bố mẹ tặng cho con quyền sử dụng đất

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực...

Hỏi: Bố mẹ em muốn cho em một miếng đất và sang tên sổ đỏ cho em thì cần phải làm những thủ tục gì và làm ở đâu. Bố mẹ em có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội và miếng đất bố mẹ cho em cũng ở địa chỉ đó. Nhưng hộ khẩu thường trú của em ở thành phố Vũng Tàu, bây giờ bố mẹ muốn sang tên sổ đỏ cho em có được không? Em có cần phải chuyển khẩu về Hà Nội thì mới sang tên được sổ đỏ hay hộ khẩu ở vũng tàu vẫn sang tên được bình thường? (Nguyễn Công Bắc - Vũng Tàu)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Bùi Ánh Vân - Tổ tư vấn pháp pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

- Thứ nhất , về điều kiện tặng cho quyền sử dụng đất:

Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định về điều kiện tặng cho quyền sử dụng đất của người sử dụng đất như sau:

"a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này; b) Đất không có tranh chấp; c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; d) Trong thời hạn sử dụng đất.”

Theo đó, cá nhân có quyền sử dụng đất hợp pháp; đất không có tranh chấp, không bị kê biên để đảm bảo thi hành án và trong thời hạn sử dụng đất thì được quyền tặng cho người khác.

Như vậy, nếu bố mẹ của bạn đang đứng tên mảnh đất đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì có quyền tặng cho bất kì ai.

-Thứ hai, về trình tự, thủ tục thực hiện tặng cho quyền sử dụng đất

Như vậy, để thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất thì bố mẹ và bạn phải thực hiện các bước sau đây

+ Bước 1: Lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải đi công chứng, chứng thực tại nơi có đất.

Theo quy định tại điểm a, d khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định:

"a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này
...
d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã".

Bên tặng cho quyền sử dụng đất:

+ CMND ; hộ khẩu của cả hai vợ chồng.

+ Chứng nhận kết hôn (nếu đã kết hôn) hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu chưa kết hôn).

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyển sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ đỏ).

Bên nhận tặng cho quyền sử dụng đất:

+ CMND và hộ khẩu của cả hai vợ chồng.

+ Chứng nhận kết hôn (nếu đã kết hôn) hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu chưa kết hôn).
Theo đó, khi thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất thì bố mẹ và bạn phải lập hợp đồng tặng cho bằng văn bản và phải mang đi công chứng tại địa bàn Hà Nội.

+ Bước 2: Thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất

Hồ sơ đăng kí sang tên

Sau khi có hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đã được công chứng/chứng thực thì bạn có thể tiến hành thủ tục đăng ký sang tên bạn tại văn phòng đăng ký đất đai, hồ sơ bao gồm:

+ đơn đăng kí biến động quyền sử dụng đất

+ Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

+ Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn/ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Nghĩa vụ thuế, lệ phí trước bạ:

Khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung 2013 thì: “Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau” là thu nhập được miễn thuế. Do vậy, khi tiến hành thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ bố mẹ bạn sang cho bạn thì sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Khoản 10 Điều 4 Nghị định 45/2011/NĐ-CP Quy định các trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ:

"Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu".

Do vậy, nếu bạn thuộc trường hợp bố mẹ tặng cho bạn quyền sử dụng đất lần đầu thì sẽ được miễn lệ phí trước bạ.

Tóm lại, khi bố mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho bạn sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân. Và nếu việc tặng cho của bố mẹ cho bạn lần đầu thì được miễn lệ phí trước bạ khi sang tên quyền sử dụng đất.

- Bạn có hộ khẩu thường trú tại Vũng Tàu thì bạn vẫn có quyền nhận tặng cho và sang tên quyền sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội.

Bố mẹ bạn có quyền sử dụng đất mà đất nằm trên địa bàn Hà Nội có quyền thực hiện tặng cho, sang tên cho bạn (dù bạn thường trú ở tỉnh khác) .Như vậy, không có quy định nào yêu cầu bạn phải chuyển hộ khẩu thường trú vào Hà Nội thì mới có thể thực hiện việc tặng cho và sang tên quyền sử dụng đất của bố mẹ. Vì vậy, bạn có hộ khẩu thường trú ở Vũng Tàu thì bạn và bố mẹ vẫn có thể thực hiện tặng cho và sang tên quyền sử dụng đất bình thường. Tuy nhiên, bạn cần có mặt tại Hà Nội để cùng bố mẹ để lập và kí hợp đồng tặng cho và mang công chứng tại văn phòng công chứng/ phòng công chứng trên đìa bàn Hà Nội và sau đó bạn đi thực hiện thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyển sử dụng đất.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.