Tội phá thai trái phép

Phá thai trái phép là hành vi phá thai cho người khác trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho tính mạng của người đó...

Hỏi: Đề nghị luật sư tư vấn, trường hợp nào bị coi là phạm tội phá thai trái phép? (Quang Anh - Lai Châu)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Trần Thị Thanh Tình - Công ty luật TNHH Everest - trả lời:

Bộ luật hình sự (BLHS) quy định: “Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người đó hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ một năm đến năm năm” (khoản 1Điều 243).

Như vậy có thể hiểu:Phá thai trái phép (bị coi là tội phạm) là hành vi thực hiện việc phá thai cho người khác trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người đó hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Trái phép là không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu được phép phá thai nhưng do vi phạm các quy định về phá thai gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người mang thai thì không phải là hành vi phá thai trái phép, mà tùy trường hợp người có hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ ý tế khác, quy định tại Điều 242 BLHS,

Người phạm tội phá thai trái phép chỉ thực hiện một hành vi khách quan duy nhất là hành vi phá thai trái phép. Tuy nhiên, để thực hiện việc phá thai người phạm tội có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như: cho uống thuốc để thai nhi chết, dung các dụng cụ để lấy thai nhi ra ngoài dạ con của người phụ nữ…

Phá thai trái phép bị coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, tới mức cần thiết phải xử lý trách nhiệm hình sự, bởi nó xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước về việc khá thai, gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của con người (người phụ nữ mang thai).

Người phạm tội phá thai trái phép phải là người đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp người phạm tội thuộc khoản 2, khoản 3 Điều 243 BLHS thì có độ tuổi từ đủ 14 trở lên.
Người phạm tội thực hiện hành vi phá thai trái phép, đã cố ý với hành vi phá thai, nhưng vô ý với hậu quả chết người, nghĩa là là người phạm tội tuy thấy hành vi phá thai trái phép của mình có thể gây ra hậu quả làm người phụ nữ có thai bị chết hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người này, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy hành vi phá thai trái phép của mình có thể gây ra hậu quả làm người phụ nữ có thai bị chết hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người này, mặc dù họ có thể thấy trước (hoặc pháp luật quy định buộc họ phải thấy trước) hậu quả đó.

Tội phá thai trái phép bị coi là tội phạm nghiêm trọng, với khung hình phạt (cơ bản) là bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.