-->

Tội chống người thi hành công vụ theo Bộ luật Hình sự năm 2015

Chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

Chống người thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật, được điều chỉnh bởi Bộ luật Hình sự. Do đó, người nào có hành vi chống người thi hành công vụ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) quy định về tội chống người thi hành công vụ như sau:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm
.”


Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

1. Các dấu hiệu pháp lý của tội chống người thi hành công vụ

(i) Mặt khách quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện 1 trong các hoặc các hành vi nguy hiểm cho xã hội sau:

- Hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ: Người phạm tội đã sử dụng sức mạnh có hoặc không kèm theo hung khí để tác động lên thân thể người đang thi hành công vụ như đấm, đá, đánh…. Tuy nhiên hành vi dùng vũ lực nếu gây ra thương tích thì tỷ lệ thương tật phải chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

- Hành vi đe dọa dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ: Hành vi này được thể hiện qua lời nói, cử chỉ của người phạm tội là sẽ sử dụng vũ lực để uy hiếp tinh thần người thi hành công vụ (như dọa sẽ đánh gãy tay, dùng dao đâm chết,…).

- Hành vi dùng các thủ đoạn khác (ngoài các hành vi nêu trên) để uy hiếp người thi hành công vụ (như dọa hủy hoại tài sản, hại người thân,…).
Có thể thấy hành vi khách quan của tội chống người thi hành công vụ có điểm tương đồng với tội cướp tài sản. Tuy nhiên, mục đích và đối tượng tác động của hành vi đối với hai tội phạm này là khác nhau.

Các hành vi nêu trên của người phạm tội chống người thi hành công vụ là nhằm vào các mục đích sau:

- Cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ. Nghĩa là làm cho người có trách nhiệm thi hành công vụ không thể thực hiện được hoặc rất khó khăn trong thực hiện công vụ được giao. Ví dụ: Người tham gia giao thông đường bộ vi phạm luật giao thông đường bộ, bị cảnh sát giao thông phát hiện nên đã lái xe đâm thẳng vào cảnh sát để cảnh trở việc cảnh sát kiểm tra và xử phạt.

- Ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm tạo lợi ích cho mình. Ví dụ: A làm thủ tục cấp sổ đỏ nhưng thửa đất của A có 1 phần là do lấn chiếm mà có, không đủ điều kiện để cấp sổ đỏ nên A đã đe dọa cán bộ địa chính để được cấp sổ đỏ.
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi nêu trên để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc người thi hành công vụ có nghe theo yêu cầu của người phạm tội hay không không có ý nghĩa định tội (Tội phạm có cấu thành hình thức).

Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ mà gây hậu quả chết người hoặc đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng với hậu quả đã gây ra.

(ii) Khách thể của tội phạm

Hành vi của người phạm tội đã xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.

Đối tượng tác động của tội này là người đang thi hành công vụ: Là người được Nhà nước hoặc xã hội giao cho những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong quản lý lĩnh vực hành chính Nhà nước nhất định (cán bộ địa chính, cảnh sát giao thông, bộ đội biên phòng,... ).

Người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định. Nếu người thi hành công vụ là người làm trái pháp luật mà bị xâm phạm thì hành vi xâm phạm không phải là hành vi chống người thi hành công vụ.

(iii) Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội chống người thi hành công vụ thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết hành vi của mình mình đang cản trở người thi hành công vụ nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hành vi của mình cản trở được người thi hành công vụ. Trường hợp một người khi thực hiện hành vi mà không biết là đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật, có cơ sở chính đáng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ nhưng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng nếu có gây thương tích hoặc chết người.

(iv) Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội chống người thi hành công vụ là bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự: Người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự.

Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198
Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198

2. Hình phạt

Mức hình phạt của tội chống người thi hành công vụ được chia thành 2 khung tương ứng với 02 khoản của Điều 330 BLHS.

(i) Khung một (khoản 1)

Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan.

(ii) Khung hai (khoản 2)

Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

– Có tổ chức: Trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa nhiều người (đồng phạm), cùng thực hiện tội phạm này.

– Phạm tội 02 lần trở lên: Có từ hai lần cùng phạm tội chống người thi hành công vụ trở lên. Đồng thời trong các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội: Ngưòi phạm tội đã tác động vào ý chí, tư tưởng của người khác nhằm rủ rê, kêu gọi người khác cùng phạm tội (tuy không thuộc trường hợp có tổ chức).

– Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

– Tái phạm nguy hiểm: Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý (Khoản 2 Điều 53 BLHS).

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].