Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó
Hỏi: Tôi muốn hỏi tôi có đăng ký kinh doanh tên: công ty A với nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong đó có dịch vụ in ấn, thiết kế. Đối với mảng này, tôi có lấy tên thương hiệu riêng cho mảng in ấn. Vậy nếu tôi muốn đăng ký độc quyền logo đối với dịch vụ in ấn, thiết kế này thì có được không? Thời gian đăng ký mất bao lâu? Và tôi cần cung cấp giấy tờ gì cho phía luật sư? Chi phí đối với đăng ký thương hiệu này là bao nhiêu? (Hoàng Anh - Hà Nội)
Luật gia Nguyễn Hoài Thu - Tổ tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
– Tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện sau có quyền đăng ký nhãn hiệu:
+ Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp;
+ Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó;
+ Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó;
+ Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hoá, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó.
- Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu:
+ Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh hoặc kết hợp các yếu tố đó;
+ Có khả năng phân biệt với nhãn hiệu hàng hoá cùng loại của chủ thể khác.
- Thời gian đăng ký:
Thẩm định hình thức: theo Luật sở hữu trí tuệ (SHTT), giai đoạn này được quy định là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn. Mục đích của việc thẩm định hình thức là đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ thông qua kiểm tra việc chấp hành các quy định về hình thức đối với đơn. Nếu đơn được coi là hợp lệ, người nộp đơn sẽ được Cục SHTT gửi thông báo chấp nhận đơn hợp lệ. Nếu đơn bị coi là không hợp lệ, người nộp đơn sẽ nhận được thông báo thiếu sót của đơn trong đó nêu rõ những lý do khiến đơn bị coi là không hợp lệ.
Công bố đơn: các đơn được công nhận là hợp lệ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp (tập A) do Cục SHTT ấn hành hàng tháng để thông báo nhãn hiệuđã có người nộp đơn. Sau khi công bố đơn, bất cứ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp giấy chứng nhận đăng ký NHHH cho người nộp đơn.
Thẩm định nội dung: giai đoạn này được quy định là 9 tháng kể từ ngày ký thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và được tiến hành với tất cả các đơn đã được công bố. Mục đích của việc thẩm định nội dung là đưa ra kết luận nhãn hiệu xin đăng ký đáp ứng hay không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ theo quy định của luật pháp. Trong quá trình thẩm định nội dung đơn, Cục SHTT phải xem xét các ý kiến phản đối việc cấp giấy chứng nhận đăng ký NHHH của người thứ ba và thông báo cho người này biết ý kiến phản đối có được chấp thuận hay không. Kết quả thẩm định nội dung đơn được thông báo cho người nộp đơn bằng thông báo kết quả thẩm định nội dung trong đó nêu rõ nhãn hiệucó đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ hay không. Nếu có, trong thời gian đã ấn định, người nộp đơn phải nộp lệ phí cấp, đăng bạ và công bố giấy chứng nhận đăng ký NHHH.
Công bố giấy chứng nhận đăng ký NHHH: Các giấy chứng nhận đăng ký NHHH đã cấp đều được công bố trong tháng thứ hai kể từ ngày ra quyết định cấp trên Công báo Sở hữu công nghiệp (tập B) do Cục SHTT ấn hành hàng tháng.
Theo quy định hiện hành, tổng cộng các khoản phí, lệ phí mà người nộp đơn phải nộp cho tất cả các giai đoạn nêu trên là 850.000 đồng. Trường hợp đơn có thiếu sót về hình thức cần phải sửa chữa hoặc có khiếu nại liên quan đến nội dung thì chi phí này có thể sẽ tăng thêm.
- Hồ sơ đăng ký bao gồm:
+ Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu(Tờ khai), làm theo Mẫu do Cục Sở hữutrí tuệban hành;
+ Quy chế sử dụng nhãn hiệu, nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ là nhãn hiệu tập thể;
+ Mẫu nhãn hiệu (15 mẫu nhãn hiệu);
+ Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp,nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (Chứng nhận thừa kế,Chứng nhận hoặc Thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn, kể cả đơn đã nộp, Hợp đồng giao việc hoặc Hợp đồng lao động,...);
+ Giấy uỷ quyền;
+ Bản sao đơn đầu tiên hoặc Giấy chứng nhận trưng bày triển lãm, nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế,gồm một (1) bản;
+ Tài liệu xác nhận về xuất xứ, giải thưởng, huy chương, nếu trên nhãn hiệu có chứa đựng các thông tin đó;
+ Chứng từ nộp phí nộp đơn;
+ Bản sao đơn đầu tiên hoặc Giấy chứng nhận trưng bày triển lãm,nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế, kể cả bản dịch ra tiếng Việt;
+ Mẫu nhãn hiệu gắn trong Tờ khai cũng như các Mẫu nhãn hiệu khác được trình bày rõ ràng với kích thước không được vượt quá khuôn khổ (80 x 80) mm, và khoảng cách giữa hai điểm gần nhau nhất không được nhỏ hơn 15 mm.
Như vậy, anh (chị) thực hiện theo thủ tục và nộp lệ phí theo các quy định đã nêu trên.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận