Thủ tục thẩm đinh báo cáo đánh giá tác động môi trường

Đánh giá tác động môi trường hay viết tắt là ĐTM là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó (Theo Khoản 23, Điều 3 Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13)

Hỏi:Thưa luật sư, công ty tôi muốn mở nhà máy để thực hiện gia công, chế biến linh kiện điện tử, nhưng cần thực hiện báo cáo đánh giá tác động về môi trường. Mong luật sư tư vấn giúp tôi về hồ sơ, thủ tục để thực hiện báo cáo đánh giá môi trường để có thể mở nhà máy được?

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Luật gia Lưu Thị Hằng - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:


Thứ nhất, Quy định chung của pháp luật về đánh giá tác động môi trường:

Theo Khoản 1, Điều 12, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.quy định: “1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định này.
Dự án “sản xuất, gia công các thiết bị điện, điện tử và các linh kiện điện tử” với công suất từ 500.000 sản phẩm/năm trở lên đối với thiết bị điện tử, linh kiện điện, điện tử thuộc Mục 29 Phụ lục II của Nghị định. Nếu nhà máy của công ty bạn có công suất trên 500.000 sản phẩm/năm thì phải thực hiện báo có đánh giá tác động môi trường trước khi nhà máy đi vào hoạt động.

Theo điều 12, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP. Công ty bạn có trách nhiệm như sau:

(i) Doanh nghiệpcó trách nhiệm tự thực hiện hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường và các thông tin, số liệu được sử dụng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

(ii) Trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, doanh nghiệp phải tiến hành tham vấn Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án.

Thứ hai, Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Sau khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hồ sơ thẩm định gồm:

(i) Một (01) văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện (theo mẫu);

(ii) Bảy (07) bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Trường hợp số lượng thành viên hội đồng thẩm định nhiều hơn bảy (07) người, chủ dự án phải cung cấp thêm số lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường;

(iii) Một (01) bản báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo dự án đầu tư hoặc tài liệu tương đương khác.

Thủ tục thẩm định như sau:

Thẩm quyền thẩm định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn

Hồ sơ sau khi nộp được xử lý:

Hồ sơ sửa đổi, bổ sung: Thông báo bổ sung đến doanh nghiệp trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ
Hồ sơ hợp lệ được xem xét giải quyết: Không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp về kết quả thẩm định. Thời gian doanh nghiệp hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của cơ quan thẩm định không tính vào thời gian thẩm định.

Thứ ba, Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

Sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được thẩm định với kết quả thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung hoặc thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, doanh nghiệp hoàn thiện và gửi cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

Hồ sơ phê duyệt gồm:

(i) Một (01) văn bản đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

(ii) Báo cáo đánh giá tác động môi trường

Hồ sơ sau khi nộp được xử lý:
Trường hợp đủ điều kiện phê duyệt: Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định ban hành quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường giá tác động môi trường.

Trường hợp chưa đủ điều kiện phê duyệt hoặc không phê duyệt: Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do

Lưu ý: Sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định tại Điều 16 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, Điều 10 Thông tư 27/2015/TT-BTNMT.

a) Điều chỉnh nội dung dự án đầu tư để bảo đảm theo yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

b) Lập kế hoạch quản lý môi trường của dự án và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tham vấn ý kiến trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

c) Thông báo bằng văn bản đến các tổ chức nơi tiến hành tham vấn, cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành trước khi tiến hành vận hành thử nghiệm ít nhất mười (10) ngày làm việc. Thời gian vận hành thử nghiệm không quá sáu (06) tháng; việc kéo dài thời gian vận hành thử nghiệm phải được sự chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198,hoặc E-mail:[email protected], [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.