Một trong những vai trò của thành viên hội đồng quản trị độc lập là nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu, kiểm soát hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp
Tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, cơ cấu tổ chức quản lý của loại hình công ty cổ phần có nhiều quy định mới. Một trong những thay đổi đáng lưu ý, đó là quy định về thành viên hội đồng quản trị độc lập của công ty cổ phần.
Trên thế giới hiện nay có hai mô hình cơ bản quản trị công ty cổ phần, nhưng chúng đều có một đặc điểm chung là chức năng của các cơ quan trong cơ cấu quản trị công ty được phân tách riêng biệt và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014 phù hợp với xu thế chung này.
Một là, cách hiểu về thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Khoản 1 Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần, như sau:"Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác: a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát; b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty".
Như vậy, có thể nhận thấy, vai trò của thành viên hội đồng quản trị độc lập cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu, kiểm soát hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp. Trong công ty cổ phần luôn tồn tại nguy cơ xung đột về lợi ích giữa các cổ đông công ty với tư cách là người sở hữu vốn với bên kia là những người quản lý điều hành công ty với tư cách là người trực tiếp sử dụng vốn.
Trên thực tế, những người quản lý, điều hành có thể không phải là những cổ đông nắm giữ đa số cổ phần của công ty nhưng có quyền quản lý điều hành công ty, trực tiếp sử dụng vốn. Như vậy, hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ những người này sẽ ưu tiên quyền lợi của cá nhân hoặc lợi ích của nhóm mình mà bỏ qua lợi ích của cổ đông nói chung. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc đặt ra các quy định về thành viên Hội đồng quản trị độc lập trong pháp luật về quản trị doanh nghiệp của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hai là, vai trò của thành viên hội đồng quản trị độc lập.
- Thành viên hội đồng quản trị độc lập như là "trọng tài" trong quản lý và điều hành:Thành viên Hội đồng quản trị độc lập sẽ đóng vai trò như người giám sát, làm giảm nguy cơ lạm dụng quyền hạn của những người quản lý, điều hành, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ.
Nếu tất cả thành viên của hội đồng quản trị làm nhiệm vụ quản lý, điều hành đều do cổ đông lớn bầu ra để phục vụ lợi ích chung của họ, thì những quyết định của HĐQT sẽ thiếu tính minh bạch, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông nhỏ. Thành viên HĐQT độc lập sẽ đóng vai trò như người giám sát, làm giảm nguy cơ lạm dụng quyền hạn của những người quản lý, điều hành, góp phần cân bằng lợi ích của cổ đông.
- Thành viên hội đồng quản trị đưa ra các ý kiến độc lập, không chịu các tác động chi phối khác:Thành viên HĐQT độc lập có vai trò đưa ra ý kiến độc lập và khách quan, không chịu sự tác động chi phối đến các quyết định hoặc xung đột lợi ích. Họ không có quan hệ lợi ích với việc kinh doanh của công ty, ý kiến họ đưa ra mang tính khách quan nhằm bảo vệ lợi ích chung, chứ không vì lợi ích riêng của bất cứ ai.
Các ý kiến khách quan nếu được tiếp thu và thực hiện sẽ giúp công ty tránh được những quyết định mang tính "thiên vị”, không minh bạch, có thể gây ra xung đột lợi ích trong cổ đông hoặc trong chính nội bộ Hội đồng quản trị. Một phần nào đó giúp cho các quyết định của Hội đồng quản trị mang tính dân chủ và hài hòa lợi ích với các cổ đông.
Do vậy, khoản 2 Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về cơ cấu, tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị, như sau:"Thành viên độc lập Hội đồng quản trị theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 134 của Luật này có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác: a) Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó. b) Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định; c) Không phải là người có vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty; d) Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty; đ) Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó".
Những quy định này nhằm làm cho thành viên độc lập không có quan hệ lợi ích riêng trong công ty, không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân nên sẽ đưa ra những ý kiến khách quan nhằm bảo vệ lợi ích của công ty mà không vì lợi ích riêng của một cá nhân hay một nhóm người nào đó.
- Thành viên hội đồng quản trị độc lập làm tăng giá trị cho công ty:Thành viên hội đồng quản trị độc lập còn có thể gia tăng giá trị cho công ty thông qua vai trò của mình. Bởi, họ là những người có uy tín, có kiến thức, kinh nghiệm và địa vị xã hội để được mời vào vị trí đó. Không phải chỉ khi xảy ra xung đột thì các ý kiến có chất lượng chuyên môn cao của họ mới có giá trị, mà mối quan hệ trong ngành hoặc uy tín của họ sẽ phần nào giúp gia tăng thương hiệu công ty hay thuận lợi trong các giao dịch.Tại Việt Nam, việc kinh doanh có quan hệ mật thiết với cơ quan chức năng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chọn thành viênhội đồng quản trịđộc lập có quan hệ tốt với chính quyền và am hiểu luật pháp trở thành lợi thế cho doanh nghiệp.
Thứ ba, một số vấn đề khác có liên quan đến thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang vướng phải một số quy định liên quan đến tính "độc lập" của các đối tượng này. Có thể họ cho rằng rất khó để tìm những thành viên đảm bảo tiêu chí "độc lập" vì những điều kiện đảm bảo tiêu chí đó khá khắt khe. Còn những thành viên có thể đảm bảo tính "độc lập" thì lại không đảm bảo về kiến thức, kinh nghiệm và địa vị xã hội khi đảm đương vị trí.
Thành viên độc lập là người được hưởng thù lao dựa trên năng lực và kinh nghiệm của họ. Do vậy, họ phải đưa ra các ý kiến độc lập về chiến lược, cũng như giám sát nhà quản lý nhằm bảo vệ sự công bằng cho cổ đông nhỏ và vì quyền lợi của các cổ đông. Họ có trách nhiệm can thiệp vào các quyết định của ban điều hành nếu các quyết định này chỉ mang lại lợi ích nhóm. Do vậy, các thành viên độc lập được bổ nhiệm cần đủ điều kiện như là các chuyên gia, đã trải qua các kinh nghiệm thực tế, lựa chọn người phù hợp với mục tiêu phát triển của công ty. Bản thân các thành viên độc lập cũng cần ý thức được uy tín của họ, trong quá trình ra các quyết định quan trọng, tránh việc chỉ tồn tại hình thức.
Sự có mặt của các thành viên hội đồng quản trị độc lập mang lại lợi ích cho công ty cổ phần. Xu thế và cách thức vận hành kinh doanh thời hội nhập đang thay đổi từng ngày. Các doanh nghiệp cần thay đổi cách nhìn về vai trò quan trọng của các thành viên giữ vai trò quản trị độc lập này đối với việc quản lý và điều hành của doanh nghiệp.
Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận