Thành lập địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp - Những điểm cần lưu ý

Địa điểm kinh doanh là nơi hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp được tổ chức thực hiện. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh.


Luật gia Đặng Thị Hương Nhi - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7):1900 6198

Một là, quy định của pháp luật doanh nghiệp về thành lập địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
Các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về địa điểm kinh doanh, đó là:
- Tên địa điểm kinh doanh: "1- Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.... 3- Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành" (khoản 1, khoản 3 Điều 41).
- Quy định về chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp: Điều 45.
- Công bố thông tin bất thường:khoản 1 Điều 109.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần nắm được một số quy định của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/09/2015 về đăng ký doanh nghiệp về địa điểm kinh doanh:
- Mã số của địa điểm kinh doanh: "Mã số của địa điểm kinh doanh là mã số gồm 5 chữ số được cấp theo số thứ tự từ 00001 đến 99999. Mã số này không phải là mã số thuế của địa điểm kinh doanh" (khoản 6 Điều 8).
- Tên địa điểm kinh doanh: "Phần tên riêng trong tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ công ty, doanh nghiệp" (khoản 3 Điều 20).
- Quy định về thông báo lập địa điểm kinh doanh và trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh:khoản 2, khoản 3 Điều 33.

Hai là, những lưu ý về quy định về "địa điểm kinh doanh" theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.
"Địa điểm kinh doanh" theo quy định của pháp luật doanh nghiệp có một số điểm cần lưu ý, đó là:
- Luật Doanh nghiệp năm 2014 phân biệt rõ sự khác biệt giữa "trụ sở chính" và "địa điểm kinh doanh". Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp năm 2005 coi "trụ sở chính" là một "địa điểm kinh doanh" của doanh nghiệp, do đó đã "thêm" quy định: "Địa điểm kinh doanh có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính" (khoản 3 Điều 37).
Chính vì thay đổi cơ bản này, trước ngày 01/07/2015 (trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực thi hành) địa điểm kinh doanh được cấp trong 01 (một) nội dung của đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, thì kể từ ngày 01/07/2015, "địa điểm kinh doanh" được cấp bởi một Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh riêng song song với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Ưu điểm của địa điểm kinh doanh so với văn phòng đại diện là có thực hiện chức năng kinh doanh. Tuy nhiên, địa điểm kinh doanh không được quyền được đăng ký con dấu riêng và phải kê khai thuế phụ thuộc công ty mẹ.
- Địa điểm kinh doanh có một hạn chế so với chi nhánh, văn phòng đại diện đó là chỉ được lập tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.
- Địa điểm kinh doanh phù hợp đối với các doanh nghiệp muốn thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều địa điểm khác nhau trong cùng tỉnh/thành phố nhưng vẫn thực hiện việc kê khai thuế phụ thuộc công ty mẹ. Đồng thời, do có phát sinh doanh thu hoạt động kinh doanh, địa điểm kinh doanh cũng phải nộp thuế môn bài cho hoạt động kinh doanh của mình (mức thuế môn bài áp dụng cho 01 địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp là 1.000.000 đồng (một triệu đồng) cho 01 năm tài chính hoạt động.

Ba là, quy định về hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh.
Hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh khá đơn giản. Trường hợp bình thường, hồ sơ chỉ gồm 03 (ba) loại giấy tờ, đó là:
- Thông báo lập địa điểm kinh doanh.Lưu ý: Tương tự như trụ sở công ty, địa chỉ cuả chi nhánh, văn phòng đại diện thì địa chỉ đăng ký địa điểm kinh doanh cũng không được là nhà tập thể, nhà chung cư. Nếu là nhà riêng mà có số phòng thì cũng cần cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng). Ngoài ra, trường hợp công ty thuê địa điểm đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh có thể phải cung cấp thêm các tài liệu kèm theo là: (i) Hợp đồng thuê văn phòng, (ii) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ, sổ hồng) của văn phòng cho thuê; (iii) Bản sao Giấy CMND, thẻ căn cước, hộ khẩu của bên cho thuê;
- Giấy CMND, hộ chiếu, thẻ căn cước của người đứng đầu địa điểm kinh doanh;
- Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (để đối chiếu).

Bốn là, về cơ quan tiếp nhận hồ sơthụ lý giải quyết, thời hạn cấp Giấy chứng nhận thành lập địa điểm kinh doanh.
Doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh/thành phố nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Thời hạn hoàn thành thủ tục cấp Giấy chứng nhận Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh là: 03 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh.

Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Đặng Thị Hương Nhi - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài (24/7): 1900 6198