Cá nhân có quyền tác giả kể từ khi tác phẩm đó được sáng tạo và được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, việc đăng kí quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả.
Luật gia Trần Thị Huyền - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Căn cứ vào khoản 1 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 (Luật SHTT) quy định về căn cứ phát sinh xác lập quyền sở hữu trí tuệ :
“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký."
Căn cứ vào Điều 49 Luật SHTT quy định về đăng kí quyền tác giả, quyền liên quan:
"1. Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
2. Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại”.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 39 Luật SHTT quy định về chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả:
“Tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
Như vậy, những tài liệu mà anh (chị) viết ra, anh (chị) có quyền tác giả kể từ khi tác phẩm đó được sáng tạo và được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, việc đăng kí quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả.
Chủ sở hữu quyền tác giả đồng thời là tác giả nếu họ sử dụng thời gian, tài chính, công sức của mình để sáng tạo ra tác phẩm. Tuy nhiên, anh (chị) viết những tài liệu đó trong thời gian làm việc ở trung tâm, in ấn để sử dụng cho học sinh và giáo viên. Những tài liệu này chỉ để tên trung tâm và giữa trung tâm và anh (chị) không có thỏa thuận gì về nội dung này. Tuy nhiên có thể hiểu trung tâm đã giao nhiệm vụ cho anh (chị) thực hiện, đồng thời trung tâm là chủ sở hữu của những tài liệu này. Hiện nay anh (chị) muốn xin nghỉ làm việc ở đây để chuyển đến một đơn vị khác và không muốn trung tâm này tiếp tục sử dụng tài liệu của anh (chị). Điều này thực hiện được hay không sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa anh (chị) với trung tâm.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận