Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Hỏi: Tôi và vợ ly hôn, cô ấy nguyện nuôi con và không nhận trợ cấp từ tôi. Hơn ba tháng sau, cô ấy thay đổi muốn tôi đưa tiền cấp dưỡng hàng tháng. Tuy nhiên, tôi đang thất nghiệp và có nghi ngờ đứa bé không phải con của tôi nên không đồng ý cấp dưỡng. Đề nghị Luật sư tư vấn, tôi có quyền từ chối cấp dưỡng và đồng thời yêu cầu xét nghiệm ADN của đứa trẻ không? (Hoàng Bính - Hà Nam)
Luật gia Nguyễn Thị Yến - Tổ tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Liên quan tới vấn đề anh (chị) hỏi, chúng tôi xin trích dẫn một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 như sau:
- Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn: "1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi; 2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con; 3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó” (Điều 82).
- Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
"1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” (Điều 83).
- Phương thức cấp dưỡng:
“Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết” (Điều 117).
“Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình” (Khoản 2 Điều 89).
Theo như quy định của pháp luật, cấp dưỡng là nghĩa vụ bắt buộc của người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Bên trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Do đó, sau khi ly hôn vợ anh hoàn toàn có quyền yêu cầu anh thực hiện việc cấp dưỡng đối với con chung. Tuy nhiên, theo thông tin anh cung cấp, hiện tại anh đang thất nghiệp, anh và vợ có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.
Về việc xác định ADN của con theo quy định pháp luật, anh có thể gửi đơn yêu cầu tòa án xác nhận lại quan hệ cha con. Về nguyên tắc, nếu muốn xác nhận một người không phải là con mình thì anh phải cung cấp chứng cứ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gen. Người có yêu cầu giám định gen phải nộp lệ phí giám định gen. Khi đã có quyết định của tòa án về việc cháu bé không phải con anh thì anh mới không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng do vợ cũ yêu cầu.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận