Công ty Luật TNHH Everest tư vấn thủ tục đăng lý thuế sau khi sắp xếp lại doanh nghiệp.
Hỏi: Thủ tục đăng ký thuế đối với trường hợp tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp như thế nào? (Bá Mạnh - Hà Nội)
"Đối với các doanh nghiệp đã tiến hành tổ chức, sắp xếp lại loại hình doanh nghiệp như: Thay đổi trụ sở khác quận, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp... Việc đăng ký thuế sẽ được tiến hành như sau
1. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
Các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp tư nhân) chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ loại hình doanh nghiệp này sang loại hình doanh nghiệp khác theo quy định của Luật doanh nghiệp phải thực hiện kê khai đăng ký thuế với cơ quan Thuế. Hồ sơ đăng ký thuế gồm:
- Tờ khai điều chỉnh đăng ký thuế theo mẫu 08-MST.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp chuyển đổi (bản sao có chứng thực).
- Giấy chứng nhận đăng ký thuế của doanh nghiệp trước chuyển đổi (bản gốc).
- Quyết định chuyển đổi doanh nghiệp.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan Thuế cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuế điều chỉnh cho doanh nghiệp sau chuyển đổi.
Mã số thuế của doanh nghiệp sau chuyển đổi giữ nguyên là mã số thuế của doanh nghiệp trước chuyển đổi.
2. Chia doanh nghiệp
Doanh nghiệp bị chia phải làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế với cơ quan Thuế khi có Quyết định chia doanh nghiệp
Các doanh nghiệp mới được chia phải thực hiện kê khai đăng ký thuế với cơ quan Thuế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2.1. Đối với doanh nghiệp bị chia: hồ sơ kê khai gồm:
- Công văn đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
- Quyết định chia doanh nghiệp (đóng dấu sao y bản chính).
- Giấy chứng nhận đăng ký thuế (bản gốc)
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Thuế phải thực hiện thông báo doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
2.2. Đối với doanh nghiệp mới được chia: hồ sơ đăng ký mã số thuế gồm:
- Tờ khai đăng ký thuế.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có chứng thực)
Cơ quan Thuế cấp mã số thuế mới và Giấy chứng nhận đăng ký thuế cho các doanh nghiệp mới chia như doanh nghiệp mới thành lập khác.
3. Tách doanh nghiệp
Doanh nghiệp bị tách phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với doanh nghiệp bị tách và đăng ký thuế đối với doanh nghiệp được tách với cơ quan Thuế khi có Quyết định tách doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp được tách phải thực hiện kê khai đăng ký thuế với cơ quan Thuế chậm nhất không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hồ sơ đăng ký thuế gồm:
3.1. Đối với doanh nghiệp bị tách:
- Quyết định tách doanh nghiệp (bản sao).
- Tờ kê khai các chỉ tiêu thông tin đăng ký thuế thay đổi theo mẫu 08-MST.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Thuế phải thực hiện thủ tục điều chỉnh thông tin đăng ký thuế của doanh nghiệp bị tách trong hệ thống quản lý mã số thuế.
Doanh nghiệp bị tách vẫn sử dụng mã số thuế và Giấy chứng nhận đăng ký thuế đã được cấp trước đây để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ về thuế.
3.2. Đối với doanh nghiệp được tách:
- Tờ khai đăng ký thuế của doanh nghiệp.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có chứng thực).
Cơ quan Thuế cấp mã số mới và Giấy chứng nhận đăng ký thuế cho các doanh nghiệp được tách như các doanh nghiệp mới thành lập khác.
4. Sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp
Doanh nghiệp hợp nhất hoặc doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ:
-Giữ nguyên mã số thuế và
- Phải chịu toàn bộ trách nhiệm về nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp bị hợp nhất và bị sáp nhập.
Các doanh nghiệp bị hợp nhất và các doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Khi có Hợp đồng hợp nhất hoặc Hợp đồng sáp nhập theo quy định của Luật doanh nghiệp, các doanh nghiệp bị hợp nhất hoặc doanh nghiệp bị sáp nhập phải thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế với cơ quan Thuế. Hồ sơ gồm:
- Công văn đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
- Hợp đồng hợp nhất hoặc Hợp đồng sáp nhập (bản sao).
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Thuế phải thực hiện thông báo doanh nghiệp ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế của các doanh nghiệp bị hợp nhất hoặc các doanh nghiệp bị sáp nhập.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp hợp nhất hoặc doanh nghiệp nhận sáp nhập phải làm thủ tục đăng ký thuế để được cấp mã số thuế và Giấy chứng nhận đăng ký thuế mới.
Hồ sơ đăng ký thuế gồm:
4.1. Đối với doanh nghiệp hợp nhất:
- Tờ khai đăng ký thuế
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có chứng thực).
- Hợp đồng hợp nhất (bản sao).
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thuế đầy đủ, chính xác của doanh nghiệp hợp nhất, cơ quan Thuế phải cấp mã số thuế, Giấy chứng nhận đăng ký thuế cho doanh nghiệp hợp nhất.
4.2. Đối với doanh nghiệp nhận sáp nhập :
- Tờ khai đăng ký thuế điều chỉnh theo mẫu 08-MST.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới của doanh nghiệp nhận sáp nhập (bản sao có chứng thực).
- Hợp đồng sáp nhập (bản sao).
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thuế đầy đủ, hợp lệ của doanh nghiệp nhận sáp nhập, cơ quan Thuế có trách nhiệm cập nhật các thông tin đăng ký thuế điều chỉnh vào hệ thống thông tin quản lý thuế.
Doanh nghiệp nhận sáp nhập không thay đổi mã số thuế.
Nếu thông tin đăng ký thuế thay đổi có ảnh hưởng đến các thông tin ghi trên “Giấy chứng nhận đăng ký thuế” thì cơ quan Thuế sẽ cấp lại “Giấy chứng nhận đăng ký thuế” với mã số thuế cũ và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuế cũ.
Nếu thông tin đăng ký thuế thay đổi không ảnh hưởng đến các thông tin ghi trên “Giấy chứng nhận đăng ký thuế” thì người nộp thuế vẫn sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký thuế đã được cấp trước đây.
5. Bán doanh nghiệp
Khi có hợp đồng hoặc thỏa thuận về việc bán doanh nghiệp, doanh nghiệp được bán phải thông báo bằng văn bản, kèm theo hợp đồng mua bán doanh nghiệp, bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký thuế và quyết toán thuế gửi cho cơ quan Thuế.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - Doanh nghiệp mua phải thực hiện thủ tục đăng ký thuế với cơ quan Thuế. Hồ sơ đăng ký gồm:
- Tờ khai đăng ký thuế.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới (bản sao có chứng thực).
- Hợp đồng mua doanh nghiệp (bản sao).
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thuế đầy đủ, hợp lệ của doanh nghiệp, cơ quan Thuế phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuế cho doanh nghiệp mua.
Mã số thuế của doanh nghiệp độc lập giữ nguyên sau khi bán.
Riêng trường hợp doanh nghiệp bán là doanh nghiệp tư nhân thì doanh nghiệp tư nhân bán phải làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế, doanh nghiệp mua làm thủ tục cấp mã số thuế mới.
Đối với trường hợp một doanh nghiệp trực thuộc sau khi bán trở thành một doanh nghiệp độc lập, hoặc một doanh nghiệp sau khi bán trở thành một doanh nghiệp trực thuộc của doanh nghiệp khác thì phải làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế cũ và làm thủ tục đăng ký thuế để được cấp mã số thuế mới.
6. Chuyển doanh nghiệp trực thuộc thành doanh nghiệp độc lập hoặc ngược lại
Doanh nghiệp trực thuộc có quyết định chuyển thành doanh nghiệp độc lập hoặc ngược lại phải thực hiện kê khai đăng ký thuế lại để được cơ quan Thuế cấp mã số thuế mới.
Trước khi chuyển đổi, doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán thuế, quyết toán hoá đơn và làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế với cơ quan Thuế.
Đơn vị trực thuộc chuyển đổi thành doanh nghiệp độc lập phải thực hiện đăng ký mã số thuế để được cấp mã số thuế 10 số. Hồ sơ đăng ký gồm:
- Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu 01-ĐK-TCT.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới (bản gốc).
- Quyết định chuyển đổi doanh nghiệp (bản sao).
Một doanh nghiệp độc lập chuyển thành đơn vị trực thuộc của một doanh nghiệp độc lập khác thì mã số thuế thay đổi thành mã 13 số, trong đó 10 số đầu là mã số thuế của đơn vị chủ quản mới.
Đơn vị trước khi chuyển đổi làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế với cơ quan Thuế.
Đơn vị chủ quản mới phải thực hiện bổ sung đăng ký thuế, kê khai thêm đơn vị trực thuộc mới vào bản kê đơn vị trực thuộc để cơ quan Thuế cấp mã số 13 số.
Đơn vị trực thuộc mới thực hiện đăng ký thuế với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuế.
Một đơn vị trực thuộc một đơn vị độc lập chuyển sang thành đơn vị trực thuộc của một đơn vị độc lập khác phải thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế cũ. Đơn vị chủ quản mới phải bổ sung đăng ký thuế vào bản kê đơn vị trực thuộc để cơ quan Thuế cấp mã số thuế 13 số cho đơn vị trực thuộc mới. Đơn vị trực thuộc mới thực hiện đăng ký nộp thuế với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuế.
7. Tạm ngừng hoạt động
Các đơn vị, tổ chức kinh doanh tạm ngừng hoạt động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý chậm nhất 5 ngày trước khi tạm ngừng hoạt động. Nội dung thông báo phải ghi rõ thời gian bắt đầu và kết thúc tạm ngừng hoạt động, lý do tạm ngừng hoạt động.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận