Quyền sao chép là một trong những quyền tài sản quan trọng nhất của chủ sở hữu quyền tác giả, được pháp luật bảo hộ. Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định quyền sao chép tác phẩm trước hết tại Bộ luật dân sự 2015 và Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Hỏi: Cho tôi hỏi: đối với giáo trình trong trường học, mình mượn của các bạn rồi sao chép để học có vi phạm quyền tác giả không? Nếu mình photocopy thành nhiều bản rồi bán cho các bạn thì có vi phạm không? (Việt Trinh - Phú Thọ)
Quy định pháp luật sở hữu trí tuệ về sao chép tác phẩm
Quyền sao chép là một trong những quyền tài sản quan trọng nhất của chủ sở hữu quyền tác giả, được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, sự bảo hộ này không phải là tuyệt đối và mãi mãi. Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật sở hữu trí tuệ là cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả và lợi ích chung của toàn xã hội. Quyền được sao chép tác phẩm trong môi trường giáo dục thể hiện rất rõ nguyên tắc này.
Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định quyền sao chép tác phẩm trước hết tại Bộ luật dân sự 2015 và Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Quyền sao chép tác phẩm là “quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất cứ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử” ( Nghị định 85/2011/NĐ-CP).
Thuật ngữ “sao chép” được giải thích là “việc tạo ta một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình bằng bất cứ phương tiện hay hình thức nào”.
Theo điều 4 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP(được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 85/2011/NĐ-CP), giải thích bản sao tác phẩm là “bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm”
Như vậy, việc sao chép tác phẩm có rất nhiều hình thức, bao gồm sao chép nội dung hay hình ảnh bằng máy quét, máy photocopy, hay bất cứ phương tiện nào khác, ghi âm, ghi hình bài giảng…
Quyền sao chép tác phẩm
Về nguyên tắc, tác giả được bảo hộ quyền sao chép trong suốt thời hạn bảo hộ. Nếu sao chép tác phẩm mà không được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả, tùy vào mức độ xâm phạm mà áp dụng các chế tài. Tuy nhiên, để cân bằng quyền lợi giữa chủ sở hữu quyền tác giả và lợi ích công cộng, pháp luật có quy định một số giới hạn quyền tác giả.
Khoản 1 Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định các trường hợp được sao chép tác phẩm trong những trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao:
“a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học,giảng dạy của cá nhân;
b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo,dùng trong ấn phẩm định kỳ,trong chương trình phát thanh,truyền hình,phim tài liệu;
d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả,không nhằm mục đích thương mại;
đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;
e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu,loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá,tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
g) Ghi âm,ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
h) Chụp ảnh,truyền hình tác phẩm tạo hình,kiến trúc,nhiếp ảnh,mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;
i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
k) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng”.
Pháp luật cho phép sao chép tác phẩm không quá một bản trong trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân, không nhằm mục đích thương mại.
Tuy nhiên, sự sao chép đó không được làm thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền tác giả. Khoản 2 Điều 25Luật sở hữu trí tuệ 2005quy định: “ Tổ chức,cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm,không gây phương hại đến các quyền của tác giả,chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc,xuất xứ của tác phẩm.”
Như vậy, việc bạn photocopy giáo trình hay các tác phẩm không quá một bản để phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập thì không phải xin phép và trả tiền nhuận bút cho tác giả. Tuy nhiên, việc sao chép lại và bán cho các bạn sinh viên khác là hành vi thương mại, không thuộc trường hợp quy định tại Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ 2005, anh/chị đang vi phạm quyền tác giả.
Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Lê Thị Quỳnh - Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận