Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ là phương thức thanh toán được áp dụng phổ biến trong thanh toán quốc tế.
Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ được quy định trong Bản quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ số 600 (The Uniform Customs and Practice for documentary Credits UCP 600), bản sửa đổi năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2007). Theo đó, phương tiện thanh toán trong thanh toán tín dụng chứng từ là thư tín dụng, viết tắt là L/C (Letter of credit). L/C là văn bản pháp lý mà ngân hàng cam kết trả tiền cho người bán hàng theo những quy định mà các bên cam kết thỏa thuận trong việc thanh toán tín dụng chứng từ. Quá trình thanh toán tín dụng chứng từ có thể được tóm tắt ở 10 bước sau đây:
Bước 1: Người nhập khẩu và người xuất khẩu tiến hành ký kết hợp đồng ngoại thương, trong đó quy định thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ.
Bước 2: Căn cứ vào hợp đồng ngoại thương đã ký, người nhập khẩu gửi đơn yêu cầu mở L/C đến Ngân hàng phát hành (thông thường ngân hàng này ở nước người nhập khẩu).
Thông thường khi mở L/C, người nhập khẩu phải ký quỹ để đảm bảo khả năng thanh toán. Số tiền ký quỹ tùy thuộc vào quan hệ, uy tín của người nhập khẩu theo đánh giá của ngân hàng và khả năng tín dụng mà ngân hàng cấp cho người nhập khẩu. Số tiền ký quĩ có thể từ 0% đến 100% tùy thuộc vào giá trị lô hàng cũng như yêu cầu của ngân hàng.
Bước 3: Ngân hàng phát hành (ngân hàng mở L/C) xem xét, nếu thấy hợp lý sẽ mở L/C và gửi thư tín dụng cho ngân hàng thông báo cho người xuất khẩu hưởng lợi.
Bước 4: Ngân hàng thông báo (thông thường ngân hàng này ở nước người xuất khẩu) gửi chứng từ thông báo cho người xuất khẩu.
Nếu thư tín dụng được gửi bằng telex thì ngân hàng thông báo sẽ tiến hành xác minh điện báo mở thư tín dụng và kiểm tra mã, sau đó chuyển bản chính đến cho người xuất khẩu dưới hình thức văn bản “Nguyên căn bức điện thư tín dụng”.
Nếu thư tín dụng được gửi đến bằng thư thì ngân hàng thông báo sẽ kiểm tra chữ ký, sau đó thông báo cho người xuất khẩu toàn bộ nội dung thông báo về việc mở thư tín dụng và khi nhận được bản gốc của thư tín dụng thì chuyển ngay cho người xuất khẩu.
Bước 5: Người xuất khẩu kiểm tra kỹ nội dung của thư tín dụng, nếu chấp nhận thì giao hàng cho người nhập khẩu (thông qua người vận tải), đồng thời lập bộ chứng từ thanh toán theo yêu cầu của thư tín dụng và gửi cho ngân hàng thông báo.
Nếu người xuất khẩu không chấp nhận thì yêu cầu cầu người nhập khẩu điều chỉnh L/C. Mọi nội dung sửa đổi đều phải có xác nhận của ngân hàng mở thư tín dụng thì mới có hiệu lực. Văn bản sửa đổi trở thành một bộ phận cấu thành không thể tách rời thư tín dụng cũ và cũng không thể hủy bỏ thư tín dụng cũ.
Bước 6: Ngân hàng thông báo gửi tiền hàng cho người xuất khẩu khi đã nhận đủ chứng từ phù hợp với quy định của L/C để nhận hàng.
Bước 7: Ngân hàng thông báo chuyển bộ chứng từ hợp lệ cho ngân hàng mở L/C.
Bước 8: Ngân hàng phát hành kiểm tra bộ chứng từ và thông báo kết quả kiểm tra cho người nhập khẩu. Nếu thấy phù hợp với thư tín dụng thì ngân hàng mở L/C trả tiền hàng cho ngân hàng thông báo và gửi bộ chứng từ nhận hàng cho người nhập khẩu. Nếu không phù hợp thì ngân hàng mở L/C từ chối trả tiền và gửi trả lại bộ chứng từ cho người xuất khẩu.
Bước 9: Người nhập khẩu nhận bộ chứng từ nhận hàng từ ngân hàng mở L/C và kiểm tra bộ chứng từ, nếu thấy phù hợp thì thanh toán tiền hàng cho ngân hàng, nếu thấy không phù hợp thì có quyền từ chối thanh toán.
Bước 10: Người nhập khẩu xuất trình bộ chứng từ cho người vận tải để nhận hàng
Như vậy, thông qua 10 bước trên, phương thức thanh toán tín dụng chứng từ đã được thực hiện. Trong quá trình thanh toán tín dụng chứng từ, ngân hàng đã đóng vai trò rất quan trọng, đảm bảo người xuất khẩu sẽ thu được tiền và người nhập khẩu nhận được hàng nếu hai bên tôn trọng những điều đã thỏa thuận trong hợp đồng thương mại quốc tế.
Luật gia Lưu Thị Phượng - Phòng cấp phép và đầu tư Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.
Quý Khách hàng yêu cầu cung cấp dịch vụ có thể liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest theo một trong các phương thức sau:
- Giao dịch trực tiếp tại các địa chỉ sau: (i) Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội; (ii) Chi nhánh Hà Nội: Tầng 2 Tòa nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội; (iii) Trung tâm thực hành nghề luật - Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
- Gọi điện thoại tới Tổng đài tư vấn 1900 6198
- Liên hệ qua phương thức điện tử (trực tuyến): E-mail [email protected]; Zalo số (0936978889); Facebook: https://www.facebook.com/congtyluateverest/
Bình luận